Thạnh Phú là xã thuần nông, do đó để duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí chuẩn nông thôn mới (NTM), xã chuyển đổi tích cực trong sản xuất, nâng cao tỷ trọng giá trị hàng hóa nông sản…
Sau khi hoàn thành NTM nâng cao, Thạnh Phú đặc biệt chú trọng nâng cấp tiêu chí thu nhập cho người dân. |
Thúc đẩy nâng cao thu nhập
Theo UBND xã Thạnh Phú, đối với xã NTM nâng cao, tiêu chí thu nhập là việc không dễ để hoàn thành, bởi thu nhập bình quân đầu người/năm tối thiểu phải bằng 1,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người/năm trước đó.
Năm 2019, thu nhập của Thạnh Phú là 45 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, mục tiêu năm 2020, xã phải tăng mức thu nhập bình quân lên tối thiểu 54 triệu đồng; năm 2021 là 64,8 triệu đồng; năm 2022 là 77,76 triệu đồng/người/năm…
Để hoàn thành mục tiêu trên, xã cần đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp sạch hữu cơ hay công nghệ cao gắn với giải quyết việc làm, phát triển các ngành nghề thương mại - dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Gắn liền với đó là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và kéo giảm, duy trì tỷ lệ hộ nghèo dưới mức quy định của tiêu chí xã NTM nâng cao…
Thông qua việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, từ năm 2017 đến nay, Thạnh Phú đã chuyển đổi hơn 252 ha (484 hộ) chuyên canh sản xuất lúa sang trồng cam, mít (nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái lên gần 600ha) và cho thu nhập bình quân 800 triệu đồng/ha/năm (cây có múi).
Thời gian tới, xã Thạnh Phú tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và duy trì ổn định 150 ha sản xuất lúa.
Các diện tích trồng cây ăn trái (cam sành, bưởi, mít, dừa...) được đầu tư phát triển mở rộng theo hướng chuyên canh, tập trung và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng sạch - an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
HTX có vai trò đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân. |
Vai trò của kinh tế hợp tác
Việc thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị sản xuất để gia tăng thu nhập cho người dân sau khi hoàn thành NTM nâng cao tại Thạnh Phú không thể không kể đến vai trò của khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác.
Trong quá trình xây dựng NTM, xã đã củng cố 27 tổ hợp tác và thành lập HTX nông nghiệp Thạnh Phú có 70 thành viên.
Với sự đồng hành của các HTX, tổ hợp tác, hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại xã đã có tiến bộ tích cực. Các mặt hàng nông sản được canh tác theo hướng an toàn, chất lượng, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Đánh giá về vai trò của HTX, tổ hợp tác trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, theo đại diện UBND xã Thạnh Phú, các đơn vị không chỉ trực tiếp giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, mà còn đóng góp vào các tiêu chí về thu nhập, việc làm…
Điển hình như tại HTX Thạnh Phú, không chỉ đảm bảo mức thu nhập bình quân 60 – 80 triệu đồng/năm cho 70 thành viên, HTX còn hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân về khoa học – kỹ thuật, các dịch vụ đầu vào, đầu ra trong sản xuất nông nghiệp…
Hay trong mục tiêu duy trì ổn định 150 ha sản xuất lúa có hiệu quả, sẽ có trên 30ha lúa thuộc các thành viên HTX canh tác theo hướng liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, qua đó đảm bảo mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Rõ ràng, để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, việc phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác là đặc biệt quan trọng. Từ nay tới năm 2022, xã Thạnh Phú đặt mục tiêu xây dựng thêm 5 - 10 tổ hợp tác, thành lập thêm tối thiểu 1 HTX.
Nhật Minh