Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi, cây chanh leo trên đất Mường Do ngày càng phát triển. Và để hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, đem lại nguồn thu ổn định, cải thiện cuộc sống từ cây chanh leo, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thành lập HTX chanh leo Khu Han.
Cây trồng chủ lực
Nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, HTX được hỗ trợ 700 triệu đồng tiền cây giống chanh leo theo nguồn vốn sự nghiệp của huyện, đồng thời được hỗ trợ một phần chi phí mua cọc dựng giàn đầu tư cho 30 ha chanh leo.
Lúc đầu, người dân chưa tin tưởng nên chỉ trồng xen canh với cây ngô. Nhưng sau khi HTX liên kết với doanh nghiệp về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây chanh leo trên địa bàn xã phát triển tốt. Doanh nghiệp cũng hỗ trợ thu mua với giá bảo đảm có lãi nên người dân đã chuyển hẳn diện tích trồng ngô sang trồng chanh leo theo hướng hàng hóa.
Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ người dân chăm sóc chanh leo (Ảnh:TL) |
Sau 3 năm, cây chanh leo gần như đã phủ kín những khu đất trống và đất nương bạc màu của một số thôn, bản như bản Suối Han, bản Lầm, bản Do, bản Tường Han… Chanh leo đã đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội hơn hẳn so với những cây trồng khác và trở thành cây trồng chủ lực của xã.
Đến nay, toàn xã đã có 120 ha cây chanh leo, trong đó 80 ha đã cho thu hoạch. Trong năm 2019, HTX Mường Do đã hướng dẫn và hỗ trợ bà con đầu tư trồng mới thêm khoảng 40 ha nhằm bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp cũng như nâng cao thu nhập.
Thực tế cho thấy, cây chanh leo có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, sau 6 tháng trồng đã cho thu hoạch quả, giúp người dân nhanh thu hồi được vốn đầu tư, chỉ trồng một lần nhưng thu hoạch liên tục trong vòng 3 - 4 năm.
“Công ty đã đưa ra mức giá bảo hiểm là 4.500 đồng/kg, còn thực hiện thu mua thì theo giá cả thị trường. Đặc biệt, đối với chanh leo loại A (thường chiếm khoảng 40% sản lượng) được công ty mua với giá 35.000 đồng/kg để xuất khẩu quả tươi, còn lại sẽ thu mua để chế biến xuất khẩu nên người dân không còn lo chuyện được mùa mất giá”, ông Đinh Văn Nâng, Giám đốc HTX chanh leo Khu Han, cho biết.
Hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Ông Lường Văn Sáng, một trong những người tiên phong trồng chanh leo tại địa phương, chia sẻ trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng ngô và sắn nên vừa vất vả mà thu nhập lại thấp. Khi được HTX Khu Han vận động và hỗ trợ sản xuất theo hướng hàng hóa, gia đình đã đầu tư 20 triệu đồng mua giàn dây thép, phân bón, cọc… Năm đầu tiên, gia đình ông Sáng thu được hơn 30 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng ngô mà việc chăm sóc lại đỡ vất vả hơn nhiều.
Hiện, gia đình ông Sáng đã bỏ hẳn trồng ngô và tập trung vào trồng chanh leo trên diện tích 6.000m2 . Trung bình một năm, thu nhập từ trồng chanh leo giúp gia đình mang về ít nhất 200 triệu đồng. Trong khi trồng canh leo không phải chăm sóc vất vả, lại có thị trường tiêu thụ ổn định.
Chanh leo giúp người dân có thêm việc làm và ổn định cuộc sống (Ảnh:TL) |
Theo UBND xã Mường Do, mỗi ha chanh leo đầu tư hết tổng 100 triệu đồng thì thu về trên dưới 300 triệu đồng. Dự định, nguồn thu từ chanh leo sẽ tiếp tục tăng vì xã đã có HTX đứng ra làm cầu nối liên kết với doanh nghiệp để tiếp tục mở rộng dện tích cũng như phát triển sản xuất theo chuỗi.
Nhờ có cây chanh leo, đời sống của bà con dần được nâng cao. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập 100 - 150 triệu đồng trở lên/năm từ trồng chanh leo. Đây là tiền đề để xã thực hiện giảm nghèo bền vững. Nếu như năm 2015, thu nhập trung bình của người dân một năm chỉ đạt 13 triệu đồng/người, thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên 34,4 triệu đồng/người. Tình trạng nhà tạm, nhà dột nát đã không còn. 97% người dân được dùng điện lưới quốc gia. 90% các con đường đã được bê tông hóa phục vụ đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, sự phát triển của HTX Khu Han còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. HTX đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người dân, từ đó khẳng định vai trò, vị thế của mô hình kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xóa đói, giảm nghèo.
Như Yến