Về xã Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình), hỏi thăm chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX Dệt đũi Nam Cao, chủ thương hiệu Hanhsilk, không ai không biết bởi đã quá quen thuộc với hình ảnh nữ giám đốc HTX ngày ngày truyền lửa giúp các nghệ nhân, thế hệ trẻ đam mê với nghề tơ lụa.
Xã Nam Cao là một trong những địa phương nổi tiếng của huyện Kiến Xương, nơi có làng nghề truyền thống ươm tơ, dệt đũi được hình thành và phát triển từ 400 năm nay. 20 năm trước, đũi Nam Cao rất thịnh. Đũi Nam Cao được xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, có ngày xuất 1 container. Người dân ở đây ai cũng giàu có.
Vực dậy một làng nghề
Nhưng rồi... nghề dệt đũi Nam Cao bắt đầu đi xuống khi trận sóng thần ở Phuket, Thái Lan năm 2012 cuốn trôi đi hết nhà cửa, hàng hóa, tài sản của doanh nghiệp lụa tại đây. Nhà mối bên đấy “bùng cai”, tức thương lái ở Việt Nam và “cai” cũng bùng luôn của người dân.
Người dân bị 'bùng' tiền cộng thêm không có đối tác đặt nên chuyển sang làm việc khác, nghề dệt suy yếu dần. Những người trẻ đi học, đi làm ăn xa nhờ những đồng vốn mà cha mẹ kiếm được từ nghề dệt lụa, họ cũng thành công ở các đô thị và không trở về quê làm nghề nữa.
Từ làng nghề hơn 400 năm tuổi, dệt đũi Nam Cao dần mai một chỉ còn 3 hộ, và cơ duyên đã đưa chị Hạnh – một cô gái Hà Thành, chưa từng biết gì về tơ lụa đến với làng nghề.
Xã Nam Cao là một trong những địa phương nổi tiếng của huyện Kiến Xương, nơi có làng nghề truyền thống ươm tơ, dệt đũi được hình thành và phát triển từ 400 năm nay. |
Chị Hạnh kể, nhà 3 đời không có ai làm lụa. Chị chưa từng nghĩ tới một ngày mình sẽ gắn bó với trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, quay tơ. Tuy nhiên, cái duyên chị Hạnh đến với nghề lạ thường và đã gắn bó hơn 10 năm. “Nhiều khi tôi nghĩ đúng là duyên bởi ông nội tôi tên là Tằm, bác tên Kén, mẹ tôi tên gấm... Tất cả đều liên quan đến lụa”.
Chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX Đũi Nam Cao (bên trái) đang giới thiệu với du khách nước ngoài về quá trình sản xuất tơ lụa. |
Khi hưng thịnh, nhiều người bảo rằng trai Nam Cao, gái Nam Cao nổi tiếng là giàu có, con gái lấy chồng sẽ được cho của hồi môn là khung dệt. Tuy nhiên, thời thế thay đổi, không bán được hàng. Nhiều người đã đem khung cửi đi nấu bánh chưng Tết. Rất may khi tới phát triển làng nghề, HTX vẫn thu gom mua được mấy chục khung xe sợi, trong đó có những khung có tuổi đời hàng trăm năm.
Năm 2023, Nghề dệt đũi xã Nam Cao được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ hội để quảng bá rộng rãi đến du khách quốc tế những nét đẹp văn hóa về làng nghề truyền thống.
“Khi tôi đến thăm một căn nhà trong làng, bà chủ nhà kể rằng gia đình mình có một cái khung cửi vốn là của hồi môn khi bà đi lấy chồng. Đó là cả một gia tài lớn ngày xưa, nó không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là công cụ để người phụ nữ có nghề kiếm sống. Chiếc khung cửi làm bằng gỗ lim, gần như là thợ dệt đầu tiên của làng đũi Nam Cao”, chị Hạnh kể.
Tuy nhiên, vì không sử dụng nên bị bỏ xó trong chuồng bò, bao phủ bởi mạng nhện và gạch ngói. “Tôi và chị Hà quản lý HTX vất vả lắm mới vào lôi ra được. May mắn là chúng tôi đến sớm chỉ khoảng 5 ngày nữa là họ đốt khung cửi để nấu bánh chưng”, chị Hạnh cho biết. Những chiếc khung cửi trăm năm tuổi sẽ cho ra đời những mảnh lụa, đũi với chi tiết tinh xảo.
Chị bảo, điều hạnh phúc là những nỗ lực của mình giờ đã bước đầu thành công khởi nghiệp. Từ khi bắt đầu chỉ có 3 hộ dân, hiện HTX đã lên quy mô gần 300 thành viên tham gia, dự định sẽ phát triển 1.000 thành viên. Hiện, HTX đang đẩy mạnh xây dựng nhà xưởng diện tích 4,5ha, với tầm nhìn đưa nghề dệt đũi Nam Cao vươn ra thế giới.
Công đoạn kéo sợi đũi tơ tằm, tức người thợ sẽ cho kén sau khi húi vào một chậu nước rồi dùng tay vê thành những sợi đũi tơ tằm thô. |
Phát triển mạnh du lịch làng nghề
Nói tới làng đũi Nam Cao, không thể không nhắc tới những nghệ nhân đã ngoài 80 nhưng vẫn say nghề. Bà Nguyễn Thị Bốn, thôn Cao Bạt Đoài chia sẻ, các cụ đã nói “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay. Tôi đẻ ra từ trong khung cửi, lớn lên thấy bố mẹ làm dệt lụa thì làm theo, chân không với tới khung cửi vẫn dậm. Đến nay, tôi vẫn say nghề và mong muốn con cháu nối nghề”, bà nói.
Chiếc khung cửi có thâm niên hơn trăm tuổi. |
Nhờ sự tỉ mỉ trong từng công đoạn và xanh từ khâu sản xuất cho đến tay khách hàng, xem khách hàng là đại sứ thương hiệu, lụa Hanhsilk đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tới nhiều thị trường khắt khe thế giới như châu Âu, đồng thời được người dùng trong nước đón nhận. Không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng như khăn mặt, khăn quàng cổ, áo dài, vest, chăn gas… mà HTX Dệt đũi Nam Cao đang đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề.
Đoàn hơn 40 lãnh đạo cấp cao tập đoàn siêu xe Porsche – Volkswagen khi tới Hanhsilk. |
Đặc biệt, HTX là đơn vị sản xuất lụa tơ tằm duy nhất tại Việt Nam được lên kênh Business Insider – kênh Youtube với hàng triệu người đăng ký. Business Insider đã ví cuộc sống của những nghệ nhân tại làng nghề lụa Nam Cao như “nuôi tằm ăn cơm đứng, luôn vươn lên dù có muôn vàn khó khăn, trắc trở".
Chị Hạnh kể: “Khi các bạn kênh Business Insider đến thăm, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là họ muốn tìm hiểu làng nghề nhưng không ngờ khi chương trình được phát sóng thì sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều bạn quen gửi tin nhắn hỏi thăm, vì thấy tôi trên kênh youtube của Mỹ. HTX nhận được nhiều tin nhắn tìm hiểu về tour du lịch, địa chỉ, giới thiệu các sản phẩm... Trong đó, nhiều khách hàng là các trường học, công ty hàng đầu thế giới".
Và một trong những khách hàng đặc biệt mà vị giám đốc nhớ tới là đoàn hơn 40 lãnh đạo cấp cao tập đoàn siêu xe Porsche – Volkswagen khi tới Việt Nam đã chọn HTX Dệt đũi Nam Cao ghé thăm.
Tiếp nối những thành công này, năm 2024, HTX Đũi Nam Cao kỳ vọng đón 50 nghìn lượt khách đến Thái Bình. " Lịch trình năm nay sẽ đón 70 đoàn khách trên thế giới, họ đã đặt từ 6 tháng trước…. Du khách, khách hàng tìm tới Hanhsilk vì chúng tôi có những câu chuyện đặc biệt”, chị Hạnh tự hào nói.
Cuộc thi kéo đũi của nghệ nhân nhí. |
Để phát triển nghề, vị nữ Giám đốc HTX thường xuyên tổ chức các cuộc thi tay nghề, đặc biệt có cuộc thi tay nghề cho các nghệ nhân nhí - những thế hệ kế cận nối nghề quay tơ dệt lụa tại Nam Cao. Những nghệ nhân nhí chính là tương lai, là nền móng giúp cho Đũi Nam Cao bay cao, bay xa ra thế giới.
Trước các cụ trong xã Nam Cao thường nói “già như tôi mới đi làm nghề quay tơ dệt lụa", nhưng giờ thì chị Lương Thanh Hạnh cảm thấy hạnh phúc khi thấy hiện nay, làng nghề lại có thêm nhiều doanh nghiệp trẻ tham gia vào, đó là những con em của làng nghề quay trở lại. Và rồi, làng dệt đũi Nam Cao lại rộn tiếng thoi đưa
Thy Lê - Phạm Hòa