Cuối tuần qua, Trung Quốc đã công bố Sách trắng, kêu gọi hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và thiết lập các tuyến đường thủy trong khu vực.
“Cường quốc khu vực địa cực”
Tuyên bố của Trung Quốc cho thấy nước này không có ý định giấu giếm tham vọng địa chính trị tại một địa bàn được xem là “mỏ vàng tài nguyên” cuối cùng trên Trái đất.
Mong muốn trở thành một nước đóng vai trò quan trọng ở Bắc Cực chỉ mới được Trung Quốc nhen nhóm vài năm qua, dưới thời Chủ tịch nước Tập Cận Bình, khi ông ví nước này như một “cường quốc khu vực địa cực” đầy tiềm năng, nhân chuyến công du tới Australia năm 2014.
Tình trạng băng tan ở Bắc Cực đã giúp giải phóng hải trình phương Bắc (phía trên nước Nga), giúp rút ngắn 48 ngày so với tuyến đường phổ biến nhất hiện nay từ miền Bắc Trung Quốc đến Rotterdam qua Kênh đào Suez. Năm ngoái, một tàu chở dầu của Nga đã đi từ Na Uy đến Hàn Quốc trong vòng 19 ngày, mà không cần tàu phá băng hộ tống.
Các chuyên gia nhận định tương lai của thương mại đường thủy ở Bắc Cực không chỉ dừng lại ở những quốc gia có biên giới nằm trong khu vực này.
Chính vì thế, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng quan hệ với các nước Scandinavia để tạo tiền đề chạy đua với Canada, Đan Mạch hay Nga - những nước có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và lợi ích địa chính trị chồng chéo nhau trong khu vực.
Trung Quốc đã thành lập ở Thượng Hải một trung tâm nghiên cứu Bắc Cực chung với các viện nghiên cứu thuộc 5 quốc gia Bắc Âu và đã ký thỏa thuận hợp tác thăm dò với Australia.
Không chỉ hé mở tiềm năng thương mại vận tải biển, băng tan ở Bắc Cực còn tạo điều kiện thuận lợi cho tàu ngầm quân sự tiếp cận các quốc gia Scandinavia từ các căn cứ hải quân ở Bắc Cực.
“Con đường tơ lụa” là cấu phần quan trọng của chiến lược “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc theo đuổi để thúc đẩy đầu tư. Trong đó, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại dọc theo con đường tơ lụa cổ xưa từ Trung Quốc đến châu Âu và tuyến thứ hai kết nối Trung Quốc bằng đường biển đến Đông Nam Á và Đông Phi.
Theo luật pháp quốc tế, không một quốc gia nào được sở hữu Bắc Cực
Tài nguyên trù phú
Trung Quốc không có chút biên giới nào ở Bắc cực, nhưng là 1 trong 13 nước giữ vị trí quan sát viên tại Hội đồng Bắc cực - tổ chức quốc tế lớn nhất và có uy tín nhất trong các vấn đề liên quan tới Bắc Cực.
Ước tính Bắc Cực đang có tới 1/4 trữ lượng dầu khí chưa được khai thác của toàn cầu. Chỉ riêng mỏ khí đốt đã được thăm dò Shtokmanov ở biển Baransevo, nếu được khai thác sẽ đủ cho cả thế giới dùng trong 1 năm. Tại đây cũng có những trữ lượng đáng kể về thủy sản, lâm sản, than, nikel, kẽm, đồng, platin, kim cương và nước ngọt…
2/3 diện tích Bắc Cực là Bắc Băng Dương và phần lớn bề mặt Bắc Băng Dương đóng băng suốt năm (độ dày của lớp băng đó có thể lên tới 3m) nên tàu bè không thể đi lại được.
Mặc dù thời tiết lạnh lẽo bao trùm Bắc Cực suốt năm, nhưng đấy không phải là vùng đất không người. Số dân cư trú trên vùng lãnh thổ mênh mông này lên tới 4 triệu người.
Nhiệt độ trung bình trong năm ở Bắc Cực là -37oC. Tuy nhiên, quá trình nhiệt độ gia tăng trên trái đất lại tác động tới Bắc Cực rõ rệt hơn ở các khu vực khác. Trong 3 thập niên gần đây, diện tích băng ở Bắc Cực đã giảm khoảng 15 - 20%.
Hiện nay, theo luật pháp quốc tế, không một quốc gia nào được sở hữu Bắc Cực và vùng đất liền nằm gần lãnh thổ của mình. Theo Công ước về luật biển của Liên hợp quốc, quyền lợi của 5 quốc gia có lãnh thổ nằm trên Bắc Cực là Nga, Canada, Na Uy, Mỹ (sở hữu Alaska) và Đan Mạch (sở hữu Greenland) được giới hạn bởi các khu kinh tế cách bờ biển 2.000 hải lý (tương đương 370km).
Hải Châu