HTX Danofarm thành lập năm 2018 và đang thu hút hơn 100 hộ dân trên địa bàn cùng trồng dâu, nuôi tằm, với tổng diện tích 120 ha.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Trước đây, việc trồng dâu nuôi tằm chủ yếu theo kinh nghiệm nhưng ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển nên việc trồng dâu, nuôi tằm, bắt kén được HTX áp dụng các phương tiện kỹ thuật vào nhằm bảo vệ môi trường, giảm công lao động và nâng cao hiệu quả nuôi tằm.
Theo Ban giám đốc HTX, Ðắk Glong vốn từng là “cái nôi” của nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nên việc phục hồi vùng dâu tằm, sản xuất kén nguyên liệu không khó.
HTX đã chọn giống dâu có năng suất cao, chịu hạn, chịu ngập úng cho tới giống tằm chất lượng cao; ứng dụng vỉ né bằng gỗ cho tằm làm tổ kén; sử dụng dụng cụ tống kén, giúp giảm 50% công lao động.
Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng dâu tằm. |
HTX còn can thiệp vào các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của con tằm và theo dõi, xử lý kịp thời nếu tằm bị bệnh, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết biến động, nhiệt độ cao như hiện nay, không ít thành viên không ngại đầu tư lắp máy điều hòa tại khu vực nhà tằm, bởi tằm cần 24 - 25 độ C mới phát triển tốt. Phân tằm cũng được tận dụng làm phân hữu cơ hoặc bán cho những đơn vị có nhu cầu nhằm gia tăng thu nhập, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trước đây, HTX chỉ dừng ở việc cung cấp kén, tơ tằm cho các đối tác nhưng để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ tơ tằm.
Ngày nay, kỹ thuật nhuộm hiện đại bằng máy móc đem lại cho lụa tơ tằm những màu sắc đa dạng và rực rỡ hơn. Nhưng dù sao trong sâu thẳm tâm hồn người dân Việt, những màu sắc mộc mạc thiên nhiên vẫn được ưu ái. Chính vì vậy, lụa mộc thay vì nhuộm bằng màu công nghiệp sẽ được “phủ” bằng nước trà, nước trầu không, nhựa cây, lá bàng, than, gạch. Đây đều là những nguyên liệu thiên nhiên bảo đảm độ bền màu cho sản phẩm, không độc hại cho người sử dụng và thân thiện môi trường.
Theo ban giám đốc HTX, để có có tấm vải với màu ưng ý, HTX phải nhuộm đi nhuộm lại 2-3 lần, sau đó hấp lại để bám màu tốt hơn.
Về kỹ thuật, HTX mời các nghệ nhân về đào tạo kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm từ lụa tơ tằm. Đến nay, một số chị em của HTX đã biết dệt các sản phẩm thổ cẩm từ tơ lụa khá đẹp mắt như khăn tay, khăn quàng cổ, gối thảo dược, túi xách, ví cầm tay...
Khách hàng ngày nay không chỉ lựa chọn sản phẩm dựa trên kiểu dáng mà còn rất quan tâm tới chất liệu, đặc biệt là những chất liệu thân thiện với môi trường. Đối với điều này, HTX hoàn toàn tự tin vì quy trình sản xuất khoa học. Vải không chỉ được nhuộm màu tự nhiên mà ngay từ quá trình trồng dâu cũng không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học.
Đặt mục tiêu xa hơn
Chia sẻ về hướng phát triển sản phẩm thổ cẩm được thêu dệt từ tơ tằm, bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX, cho biết: Trước mắt, HTX tập trung thêu, dệt các sản phẩm của dân tộc Thái, M’nông, Mông. Vì các sản phẩm này có hoa văn, họa tiết đa dạng, phong phú, đặc sắc. Sau này, HTX sẽ mở rộng sản xuất các sản phẩm của những dân tộc thiểu số khác.
Ngành lụa tơ tằm được phục hồi và phát triển là nhờ vào những mô hình sản xuất như HTX Danofarm. |
HTX đã giới thiệu sản phẩm với các làng nghề trong, ngoài tỉnh và được đánh giá khả quan, nhận được sự góp ý để nâng cao chất lượng, tạo sự đa dạng mẫu mã. Hiện nay, HTX liên kết với các làng nghề ở An Giang, Vạn Phúc (Hà Nội) cung cấp nguyên liệu tơ tằm và các sản phẩm thổ cẩm.
Hiện, HTX có đơn đặt hàng để đưa sản phẩm xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Anh..., nhưng chưa triển khai được vì mới đang giai đoạn thí điểm và ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Năm 2021, HTX sẽ liên hệ với các công ty thời trang nhận thêu, dệt theo mẫu thiết kế cho quần, áo, váy hoặc một số điểm nhấn phụ kiện nhằm đa dạng sản phẩm và mở rộng thị trường. Song song đó là phối hợp cùng các cấp, ngành phát triển sản phẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Theo đánh của địa phương, hoạt động của HTX Danofarm góp phần giữ gìn và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Cây dâu vừa tạo thu nhập nhưng cũng có tác dụng giữ đất, hạn chế xói lở, phục hồi môi trường hệ sinh thái khu vực hai bên sông, từ đó đưa sản xuất phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Như Yến