Huyện Lương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019 trên cơ sở kết quả có 100% số xã đạt chuẩn NTM và huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Đột phá sau nhiều năm nỗ lực
Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, chỉ có điểm khởi đầu chứ không có kết thúc, nên sau khi đạt chuẩn huyện NTM, huyện Lương Sơn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí huyện NTM theo hướng bền vững, đồng thời chỉ đạo xây dựng nhiều xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Sản phẩm Chuối Viba đạt chứng nhận OCOP 3 sao của HTX Chuối Viba |
Năm 2021, huyện Lương Sơn tổ chức thẩm định, đánh giá đề nghị xét công nhận 2 xã Cư Yên và Nhuận Trạch đạt chuẩn xã NTM nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn huyện lên 4 xã.
Đặc biệt, qua kết quả rà soát, đánh giá đến tháng 11/2021 trên địa bàn huyện Lương Sơn có 2 xã tiếp tục duy trì 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao là xã Lâm Sơn, Thanh Cao; 3 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao gồm xã Hòa Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên; có 5 xã đạt 16/19 tiêu chí như xã Cao Sơn, Tân Vinh, Liên Sơn, Thanh Sơn, Cao Dương.
Trong quá trình xây dựng NTM, chính quyền huyện Lương Sơn nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ... Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện cung cấp ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Rau hữu cơ, dê núi Lương Sơn, chuối Viba… Nhiều sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu tập thể; một số sản phẩm được vinh danh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, Cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng...
Đáng chú ý, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương để xây dựng NTM có sự đóng góp lớn của KTTT, HTX nhằm đưa nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn.
Phát huy thế mạnh địa phương cùng với những kết quả sản xuất nông nghiệp đã thực hiện được, huyện Lương Sơn tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo thống kê, đến hết năm 2021, huyện Lương Sơn có 10 sản phẩm của 8 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm: Thịt dê núi Lương Sơn của HTX Nông nghiệp Hòa Bình đạt 3 sao; Mật ong Lâm Sơn của HTX Ong mật Lâm Sơn đạt 3 sao; Trứng vịt Hùng Tiến của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hồng Tiến; Chuối Viba của HTX Chuối Viba đạt 3 sao; Thịt gà thả vườn Thuận Phát của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thuận Phát đạt 3 sao...
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Triển khai chương trình OCOP đã giúp cho các đơn vị sản xuất (chủ thể) chủ động, linh hoạt, hoàn thiện hơn trong sản xuất, đồng thời đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng, thêm điều kiện mở rộng thị trường và khẳng định chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Trung Đức - Giám đốc HTX Chuối Viba chia sẻ: HTX là đơn vị sản xuất chuối uy tín, lớn ở miền Bắc. Nhãn hiệu Chuối Viba (Vietnam banana) đã được đăng ký bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ. Năm 2019, Chuối Viba được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện nay, diện tích trồng chuối của HTX khoảng 40ha với sản lượng trung bình hàng năm khoảng trên dưới 1.000 tấn, cung cấp cho thị trường Hòa Bình, Hà Nội. Việc sản phẩm Chuối Viba đạt chứng nhận OCOP 3 sao thêm một lần nữa khẳng định chất lượng sản phẩm và làm tăng tín nhiệm của người tiêu dùng, giúp quá trình tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
Năm 2022, huyện Lương Sơn thực hiện kiện toàn Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; Tổ chức tuyên truyền và đăng ký ý tưởng, tập huấn chuyên môn về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất và triển khai phương án phát triển sản xuất kinh doanh; Tập huấn công tác lập hồ sơ để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh.
Đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia Chương trình OCOP, gồm: Cao dây thìa canh - chủ thể HTX dược liệu Lương Sơn, xã Hòa Sơn; Bột sắn dây của Tổ hợp tác Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch; Nhãn miền Cao Răm - chủ thể HTX Nông nghiệp Vai Đào, xã Cao Sơn; Rượu cần Lâm Sơn - chủ thể HTX Sản xuất rượu cần xã Lâm Sơn; Chè Mỹ Tân - chủ thể HTX Nông nghiệp Mỹ Tân và trà túi lọc cà gai leo - chủ thể HTX Tuyết Nhi, xã Cao Dương.
"Cao cà gai leo và cao xạ đen được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị cây cà gai leo và cây xạ đen của địa phương; tạo thu nhập ổn định cho bà con trồng nguyên liệu. Đồng thời, sản phẩm được gắn sao OCOP là cơ hội để HTX tiếp cận với nhiều thị trường lớn trong nước. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng vùng liên kết nguyên liệu, chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới bao bì, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, hướng tới nâng sao cho sản phẩm", Giám đốc HTX Tuyết Nhi Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.
Thanh Hoa