Đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 93 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó, 34 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao; 59 sản phẩm đạt 4 sao. Cả 8 huyện, thành phố đều có sản phẩm OCOP với 38 chủ thể, gồm 9 HTX; 14 doanh nghiệp nhỏ và vừa; 15 cơ sở sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm lưu niệm và trang trí, chưa có sản phẩm du lịch cộng đồng.
HTX đóng góp cho sản phẩm OCOP
Ông Lưu Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định: Điều đáng mừng là hầu hết các sản phẩm sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm rộng khắp cả nước.
Đơn cử, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Việt Nam (thôn Thủ Pháp, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình) được thành lập từ tháng 7/2019 với 7 thành viên, anh Nguyễn Văn Khoát là Giám đốc HTX. Với số vốn ban đầu gần 7 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống nhà xưởng và 2 dây truyền sản xuất rượu gạo mang thương hiệu KINGBAC - Rượu gạo thượng hạng và Cuốc lủi – Rượu gạo nguyên chất.
HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đã nhanh nhạy chuyển đổi từ mô hình trồng rau sạch sang trồng nho không hạt mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho HTX. |
Sau 3 năm có mặt trên thị trường, các sản phẩm rượu của HTX Nông nghiệp sạch Việt Nam được người tiêu dùng đón nhận, đến nay HTX đã phát triển được nhiều đại lý trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Doanh thu mỗi năm của công ty đạt khoảng 5 tỷ đồng.
Với phương châm, mang đến cho người sử dụng những sản phẩm sạch nhất, an toàn cho sức khỏe, HTX Nông nghiệp sạch Việt Nam khắt khe, kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất. Trong đó, 100% gạo Nếp cái hoa vàng để sản xuất rượu KINGBAC - Rượu gạo thượng hạng và gạo Nếp Nhung dùng để sản xuất rượu Cuốc lủi đều được HTX truy xuất rõ nguồn gốc. Đối với men rượu, HTX sử dụng giống men đặc biệt với nhiều thành phần chủng loại thảo dược quý khác nhau nuôi cấy theo cách cổ truyền. Nước để sản xuất rượu là loại nước ngọt tinh khiết đã được xử lý theo công nghệ RO.
Hay như trường hợp HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đã nhanh nhạy chuyển đổi từ mô hình trồng rau sạch sang trồng nho không hạt mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho HTX.
Năm 2017, anh Nguyễn Thanh Liêm thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh chuyên trồng rau sạch theo quy trình hữu cơ. Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng đối với loại nho không hạt, đầu năm 2020, anh Liêm mua 80 gốc nho xanh không hạt và nho tím không hạt từ Đại học Nông lâm Bắc Giang để về trồng thử nghiệm.
Năm 2021, HTX tiếp tục mở rộng, trồng thêm 1.500 gốc nho gồm nho xanh không hạt, nho tím không hạt, nho mẫu đơn và nho ngón tay với tổng diện tích 3.500m2, đồng thời, xây dựng thêm nhà màng, mái vòm và bắc giàn, vun luống nhằm giảm mức độ nhiễm sâu bệnh, vừa hạn chế nước mưa để nho không bị úng, thối rễ.
Mặc dù sản phẩm nho không hạt đã được chứng nhận OCOP, song anh Liêm mong muốn được các cấp chính quyền, địa phương tạo điều kiện tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, bổ sung thêm kiến thức về trồng, chăm sóc cây nho. Đồng thời, hỗ trợ, giới thiệu quảng bá sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường, đảm bảo bao tiêu đầu ra, có như vậy mới tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, mở rộng thêm diện tích trồng nho.
Cần các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn
Trên thực tế, dù số lượng các sản phẩm OCOP nhiều nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nằm rải rác, bao bì, nhãn mác đơn giản, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, không có nhiều đặc tính vùng miền, chưa có vùng sản xuất quy mô lớn...
Do đó, để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đồng thời đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng NTM, phần lớn các HTX đểu mong các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để sản phẩm OCOP thực sự phát huy thế mạnh sản phẩm đặc trưng địa phương.
Nhiều sản phẩm OCOP của Bắc Ninh đã khẳng định được tên, tuổi trên thị trường, góp phần quan trọng vào xây dựng thành công NTM. |
Trong bối cảnh đó, gần đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch 246/KH-UBND ngày 24-6 về thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025; HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND về quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản, OCOP và ngành nghề nông thôn có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy móc, thiết bị, tổng mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/ tổ chức, cá nhân; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng và mua thiết bị kho lạnh, thiết bị chuyên dùng cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/1 phương án và 500 triệu đồng/siêu thị, 100 triệu đồng/cửa hàng; hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc, tối đa không quá 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân…
Hiện nay, 100% các xã, huyện trong tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm được tích cực triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 75 sản phẩm OCOP, trong đó 23 sản phẩm 3 sao, 52 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP được đảm bảo về chất lượng, mẫu mã bao bì và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện có 62 sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2022.
Nhờ những nỗ lực đó, kinh tế nông thôn nói chung, kinh tế HTX nói riêng đang khẳng định vai trò, vị thế trong quá trình xây dựng NTM. Kinh tế làng nghề nông thôn tiếp tục được quan tâm phát triển, có 65 làng nghề, gồm 41 làng nghề truyền thống và 24 làng nghề mới với khoảng 28.342 hộ tham gia ngành nghề chính, chiếm 62,74% số hộ trong làng nghề và có 73.954 lao động làm nghề với thu nhập trung bình đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu trong thời gian tới tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, chuỗi giá trị. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn phù hợp với từng giai đoạn. Huy động có hiệu quả nguồn lực xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thủy lợi theo hướng đa chức năng. Thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đức Anh