Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 59 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, 350 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 729 trang trại cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển tương đối toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng.
Tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Đây là những lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tạo ra những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Hưng Yên đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp để tạo vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP (Ảnh: Int) |
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Trên cơ sở đó, nhiều HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định an toàn thực phẩm và môi trường.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 140 sản phẩm OCOP, trong đó có 116 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt 3 sao, 24 sản phẩm đạt 4 sao, với chủ thể là HTX chiếm một tỷ lệ đáng kể.
“Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã mở rộng thị trường tiêu thụ vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, doanh thu cho chủ thể. Trong đó, việc hình thành vùng nguyên liệu đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chủ động kế hoạch sản xuất và kiểm soát nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm”, lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết.
Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên phấn đấu có thêm 30 - 40 sản phẩm, nhóm sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Đồng thời, tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức: Thực hiện xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP, phấn đấu xây dựng thêm 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu các sản phẩm OCOP thông qua việc xây dựng phần mềm quản lý sản phẩm, đánh giá phân hạng sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh.
Nâng tầm kinh tế hợp tác
Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, công tác chuyển đổi sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng để hoàn thành được các mục tiêu này.
Kinh tế hợp tác đóng vai trò tiên phong trong công tác thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (Ảnh: TL) |
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, từ đó tăng cường đầu tư công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao.
Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay, tại những vùng trồng nhãn, chuối, nghệ tập trung ở huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP Hưng Yên, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được các địa phương quan tâm, chú trọng. Tư duy của nhiều chủ thể, đặc biệt là các HTX, đã dần thay đổi để tự chủ trong kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Điển hình như HTX nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) hiện có 4 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm long nhãn và mật ong hoa nhãn xếp hạng 4 sao, sản phẩm hạt sen và bột sắn dây xếp hạng 3 sao.
Giám đốc Trịnh Thị Bắc cho biết, để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong quá trình sản xuất, HTX đã liên kết với các thành viên trong HTX và người dân trồng nhãn trong vùng nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương. Do chủ động được nguồn nguyên liệu nên chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đến nay, các sản phẩm nông sản sau chế biến của HTX đã có mặt tại thị trường nhiều địa phương trên cả nước cũng như một số sàn thương mại điện tử, qua đó giúp doanh số sản phẩm của HTX tăng trưởng tốt.
“Thời gian tới, HTX tiếp tục hỗ trợ các thành viên, người dân áp dụng công nghệ trong trồng và chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tốt, tạo ra những sản phẩm uy tín, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng”, bà Bắc chia sẻ.
HTX thương mại và dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng (huyện Khoái Châu) cũng là một trong những điển hình về việc liên kết tạo vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP. Theo đó, HTX được thành lập từ năm 2018, với trên 4,2 ha vùng nguyên liệu trồng nghệ.
Đến nay, HTX có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh là bột nghệ, tinh bột nghệ, dầu lạc, tinh bột nghệ trộn mật ong Corri. Việc bảo đảm được vùng nguyên liệu sản xuất đã giúp HTX thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ ở các hộ gia đình sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các thành viên HTX nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.
“Việc phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đã giúp HTX tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX”, Giám đốc Nguyễn Văn Quân nói.
Đức Minh