Phát huy vai trò “bệ đỡ" kinh tế hộ gia đình, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang trở thành điểm sáng trong việc dẫn dắt người nông dân phát triển sản xuất hiện đại, khơi thông thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các HTX nông nghiệp huyện Hiệp Hòa đang phát triển mạnh nhờ sản xuất công nghệ cao (Ảnh Tư liệu) |
Liên kết để cùng phát triển
Được thành lập từ tháng 12/2016, HTX Bình Minh đang có 8 thành viên là các hộ chăn nuôi lợn ở hai xã Danh Thắng và Lương Phong (Hiệp Hòa), với tổng đàn chăn nuôi lợn trên 5 nghìn con/năm.
Anh Nguyễn Ngọc Hải, giám đốc HTX, cho hay: “Bên cạnh các thành viên chính thức, HTX cũng đang bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ liên kết với mức giá cao hơn thị trường 1.000 – 2.000 đồng/kg, đảm bảo hiệu quả sản xuất cho hộ chăn nuôi, giảm thiểu tối đa khả năng thua lỗ”.
Hiện tại, HTX Bình Minh đã liên kết ổn định với 5 cơ sở chăn nuôi trong và ngoài huyện với tổng số lợn xuất chuồng 12 nghìn con/năm. Nhiều trang trại nuôi gia công thuê cho HTX có thu nhập 200 – 300 triệu/năm, điển hình như trang trại của anh Nguyễn Văn Vích (xã Lương Phong), bà Nguyễn Thị Vân (thị trấn Thắng)…
Một câu chuyện khác là HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng) cũng đang có được những thành công ấn tượng từ mô hình trồng rau sạch, trở thành điểm tựa làm giàu của hàng chục thành viên .
HTX đang phát triển 2.500 m2 nhà màng trồng dưa vàng, dưa chuột, rau cao cấp và trên 10 ha lúa hữu cơ. Sản phẩm HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất khẩu.
Các HTX cần thêm chính sách khơi thông điểm nghẽn về quỹ đất, vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất (Ảnh TL) |
Giải “bài toán” quỹ đất, vốn đầu tư thế nào?
Tuy nhiên, theo các HTX, để tạo nên những chuyển biến sâu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở hướng làm giàu bền vững cho người nông dân, ngành nông nghiệp huyện Hiệp Hòa cần đẩy mạnh tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo thêm cơ chế cho các HTX, hộ sản xuất.
Ông Vũ Tiến Trường – thành viên HTX nông nghiệp công nghệ cao Anh Thư (xã Thanh Vân) cho biết, năm 2017 ông được UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà màng. Đến nay, mô hình đang cho hiệu quả khá cao, trung bình mỗi ngày anh cung ứng khoảng 1 tấn rau, củ, quả cho các đối tác theo hợp đồng ký trước.
"Chúng tôi đang từng bước phát triển mô hình theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, khó khăn của HTX hiện tại là nguồn vốn và quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất, nếu không có sự hỗ trợ của Chính quyền thì sẽ rất khó để phát triển", ông Trường nói.
Tương tự, Giám đốc HTX Đồng Tâm 3 Nguyễn Văn Nghiệp cũng nói rằng, sau hơn 3 năm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh xây dựng sản xuất theo chuỗi, HTX đang có những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của HTX vẫn chưa thể đáp ứng được những đơn hàng lớn, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu.
“HTX đã nhiều lần để mất các hợp đồng lớn do không đáp ứng được số lượng sản phẩm doanh nghiệp yêu cầu. Vì vâỵ, Chúng tôi đang rất cần những cơ chế, chính sách về quỹ đất để mở rộng sản xuất”, ông Nghiệp chia sẻ.
Trước những vướng mắc của các HTX, hộ sản xuất, đại diện UBND huyện Hiệp Hòa cho biết huyện sẵn sàng hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp mở rộng diện tích, quy mô sản xuất bằng cách thuê lại đất của người dân, hoặc thuê lại với chính quyền xã, huyện.
Dù vậy, huyện vẫn khuyến khích các hộ, HTX, doanh nghiệp... nên phát triển theo hướng liên kết với người dân theo mô hình “góp đất” để sản xuất. Sự đồng thuận, tham gia của các hộ dân trên địa bàn là hướng đi đảm bảo sự bền vững, lâu dài, taọ ra những lợi ích thiết thực cho các bên.
Nhật Minh