Cây vú sữa đang cho hiệu quả cao tại Hợp Đức (Ảnh Tư liệu) |
Khẳng định thương hiệu
Cây vú sữa xuất hiện và được trồng tại Hợp Đức cách đây khoảng 30 năm. Sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước giúp cây vú sữa ngày càng phát triển và cho chất lượng quả thơm ngon.
Năm 2016, để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa theo hướng hiện đại, HTX Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức được thành lập với các hộ trồng cây giàu kinh nghiệm, kỹ thuật bậc nhất.
Hiện, HTX có khoảng 40 thành viên tham gia, trở thành địa chỉ tin cậy cho không chỉ người của HTX mà cả các hộ trồng vú sữa trong xã giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để từng bước xây dựng thương hiệu vú sữa Hợp Đức, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Năm 2017, chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động, vú sữa của HTX Hợp Đức được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vú sữa Tân Yên”, mở ra cơ hội quảng bá, kết nối thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, 100% sản lượng vú sữa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Hợp Đức đã được cấp mã vùng và gắn tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Hiệu quả của HTX cùng sự quan tâm của địa phương đang thổi một làn gió mới vào sản xuất vú sữa tại Hợp Đức. Đơn cử, về giống cây trồng, giống vú sữa cũ trồng sau 8 năm mới cho thu hoạch, sau khi thực hiện tuyển chọn cây đầu dòng thì chỉ cần 3 năm, năng suất tăng 15-20% so với đại trà, mẫu mã và chất lượng quả được cải thiện.
Theo tính toán của HTX Hợp Đức, với năng suất bình quân đạt 10-12 tấn/ha, giá bán 30-40 nghìn đồng/kg, người nông dân có thể thu về 250 - 300 triệu đồng/ha.
Nhờ hiệu quả cao, vú sữa đang trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân (Ảnh TL) |
Nông dân làm giàu
Thấy được hiệu quả kinh tế của cây vú sữa, Tân Yên đang đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ các vùng trồng trong huyện về cây giống, đào tạo nâng cao kỹ thuật sản xuất cho người dân, hướng tới phát triển các mô hình theo chuỗi.
Với vị thế vùng trồng chủ lực của huyện, xã Hợp Đức đang có trên 30 ha vú sữa chất lượng cao, đa phần diện tích được áp dụng tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, cho hiệu quả cao, tập trung ở các thôn Lò Nồi, Hòa An, Lục Liễu…
Những năm qua, cây vú sữa trở thành cây chuyển đổi chính tại địa phương. Nhờ trồng vú sữa, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Hợp Đức vươn lên thoát nghèo, làm giàu, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Sở hữu vườn vú sữa hơn 70 cây, anh Nguyễn Văn Kiên (thôn Lò Nồi) những năm qua đang có “của ăn, của để”. Giá bán cao cùng thị trường ổn định giúp anh thu về bình quân 90 - 120 triệu đồng/năm.
“Trước đây, hơn 5 sào vườn của gia đình tôi chuyên trồng vải và cây ăn quả các loại nhưng hiệu quả thấp. Năm 2015, tôi quyết định chuyển sang trồng vú sữa, nhờ chú trọng kỹ thuật, cây nhanh chóng cho giá trị cao. Bên cạnh nguồn thu từ quả, bán cây giống cũng đem lại hàng chục triệu/năm”, anh Kiên phấn khởi nói.
Đại diện HTX Hợp Đức cho biết những năm qua, thị trường tiêu thụ vú sữa tương đối ổn định, cách vụ 15 – 20 ngày đã có thương lái từ khắp trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng. Giá bán cao giúp các hộ trồng vú sữa ổn định cuộc sống, nhiều hộ có thu nhập ổn định 100 – 300 triệu đồng/năm.
Để đảm bảo giá trị bền vững của mô hình trồng vú sữa, thời gian qua, xã Hợp Đức đã tích hỗ trợ nông dân tham gia các hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo người dân mở rộng diện tích theo đúng quy hoạch.
Nhật Minh