HTX ra đời với mong muốn quy tụ những nghệ nhân lại để truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Là một người am hiểu nghề, nghệ nhân dân gian Phù Thị Thiên (sinh 1985) ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) trở thành người dẫn dắt, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Khởi sự từ sớm
Sinh ra trong gia đình truyền thống dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, tuổi thơ của nghệ nhân Phù Thị Thiên gắn liền với khung cửi đưa thoi, dệt vải. Ở tuổi 12, chị Thiên được mẹ chỉ dạy nhận biết khung cửi, cách thêu hoa, tạo hình hoa văn trên thổ cẩm truyền thống.
Để học nhanh, nhớ kỹ, chị vừa lưu giữ bằng trí nhớ, vừa vẽ ra giấy những hoa văn phức tạp. Đến năm 16 tuổi, chị đã dệt thành thạo các loại hoa văn khó như hình con chó, hình thập ngoặc hay hình quả trám…
Trước khi lập gia đình, chị Thiên đã tự tay thêu, dệt được những bộ trang phục dân tộc truyền thống với khăn đội, váy, áo, chăn, gối. Nhờ đó, chị càng thêm yêu, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn.
Năm 2008, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến công tỉnh, chị đã mạnh dạn vận động, tập hợp một nhóm với hơn chục chị em có tay nghề dệt thổ cẩm trong thôn, thành lập HTX chuyên dệt thổ cẩm để vừa truyền dạy nghề dệt cho chị em trong thôn khởi nghiệp, vừa tạo sản phẩm bán ra thị trường.
Đến nay, các sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX ngày càng đa dạng, phong phú. Nhờ sự khéo léo, tỷ mỷ, sáng tạo, các sản phẩm của HTX không chỉ phục vụ nhu cầu của khách hàng địa phương, mà còn được nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Bà Xìn Thị Lở - nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn (thôn My Bắc), cho biết: Để hoàn thành một bộ trang phục có khi kéo dài cả năm và đòi hỏi sự khéo léo, cần cù, sáng tạo của phụ nữ. Các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Trang phục người Pà Thẻn có những nét đặc trưng về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu |
Độc đáo có một không hai
Trước kia, nguyên liệu dệt vải là kéo từ sợi cây bông, cây lanh, hiện chủ yếu dùng len chỉ. Sau khi nhuộm màu là mắc sợi, sang chỉ dệt thành những mảnh vải thổ cẩm hình vuông hay dải vải khổ nhỏ hoặc rộng đắp trực tiếp lên vải áo, khăn, váy.
Trong các mảng hoa văn, bao giờ hoa văn chủ đạo cũng được làm nổi bật với màu đỏ là màu sắc chính của bộ trang phục nữ. Dân tộc Pà Thẻn có một bộ sưu tập các mẫu hoa văn vô cùng phong phú, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác.
Trước hết, đó là hệ thống những hoa văn hình học phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, khuỷu tay áo và thân váy.
Ngày nay, hầu hết những cô gái trẻ dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn đều biết các kỹ năng thêu, dệt và chắp vá hoa văn trước khi đi làm dâu.
Đó là của hồi môn thiêng liêng mà bà, mẹ trao cho con gái. Để tránh mai một nghề dệt thổ cẩm, các nghệ nhân có tay nghề như chị Thiên, bà Lở thường dạy nghề cho thế hệ trẻ tại HTX, cũng là cách tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong thôn.
“Để bảo tồn, phát huy nghề dệt và may trang phục truyền thống, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ một phần “Quỹ phát triển văn hóa của huyện” nhằm khuyến khích HTX dệt thổ cẩm truyền thống ở thôn My Bắc phát triển. Đồng thời, phối hợp với các nghệ nhân tổ chức các lớp dạy nghề dệt cho phụ nữ… đem lại các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần, xa”, bà Chẳng Thị Liên - Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết.
Hoàng Lê