Tại huyện Sóc Sơn, HTX Tâm Ngọc, xã Đông Xuân đã dành rất nhiều tâm sức để trồng cây dược liệu, cây ăn quả trên diện tích 13ha, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo sinh kế ổn định cho thành viên và người lao động.
“Trái ngọt” từ những nỗ lực không ngừng nghỉ
Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX chia sẻ, nhờ sự nỗ lực vượt mọi khó khăn, HTX quyết định chọn những giống cây thảo dược như cà gai leo, cỏ ngọt, đinh lăng nếp, dã cam thảo… để làm sinh kế cho các thành viên trong HTX.
Nhiều mô hình HTX ở Hà Nội đã và đang chú trọng ứng dụng công nghệ, sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao đời sống thành viên. |
Những loại cây này phù hợp với thể trạng sức khoẻ của các thành viên là người khuyết tật trong HTX vì dễ trồng, thuận tiện chăm sóc, chỉ cần sử dụng phân hữu cơ và dọn cỏ là có thể sống tốt.
Tuy nhiên, HTX lại phải đối diện với khó khăn khác. Đó là nhiều trường hợp người khuyết tật tham gia HTX Tâm Ngọc cần được hỗ trợ, hướng dẫn từ những điều cơ bản nhất về quy trình, kỹ thuật canh tác. HTX đã phân chia thành nhiều nhóm để làm những công việc cụ thể. Mỗi nhóm có một nhóm trưởng có khả năng đốc thúc, giúp đỡ những thành viên khác đảm bảo tiến độ.
Hiện tại, 41 thành viên của HTX dù có hoàn cảnh và khuyết tật khác nhau, người thì khuyết chân, người thiếu tay, người khiếm thính…, nhưng tất cả đều được sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ, để ai cũng thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội. HTX không nhận bất kỳ khoản chi phí nào từ phía gia đình người khuyết tật.
Nhờ sự nỗ lực của bản thân mỗi thành viên, cộng hưởng với sự quan tâm, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, thu nhập của thành viên HTX Tâm Ngọc hiện đạt trung bình từ 3,5 - 10 triệu đồng/người/tháng, nhiều gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo trong xã.
“Điều tôi tâm đắc nhất là các diện tích sản xuất cây dược liệu của HTX đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Các sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ thuận tự nhiên, áp dụng công nghệ sấy lạnh giúp giữ nguyên được hình dạng, màu sắc, giá trị dinh dưỡng, và đặc biệt là vẫn đảm bảo được dược tính của sản phẩm thảo dược. Đồng thời, HTX đang phát triển thêm các loại cây thảo dược có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, đinh lăng hoa vàng… để tạo thêm nhiều việc làm, hỗ trợ nhiều người khuyết tật hơn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thành viên”, chị Thuần chia sẻ.
Ông Phạm Quang Thanh, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn chia sẻ, một số địa phương trong huyện đã và đang đạt được những thành công bước đầu trong giảm nghèo bền vững thông qua nâng cao thu nhập cho người dân. Những mô hình sản xuất hàng hóa với sự dẫn dắt của các HTX đang là điểm nhấn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo của các địa phương.
“Để tiếp tục quá trình giảm nghèo, Sóc Sơn vẫn định hướng nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc hỗ trợ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nhất là là sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhằm phát huy thế mạnh địa phương. Đặc biệt, huyện tiếp tục liên hệ với HTX có mô hình dược liệu hữu cơ phát triển, nhằm tổ chức người dân tham quan học hỏi mô hình ngay tại địa phương. Nhờ đó, người dân được cầm tay chỉ việc, áp dụng khoa học vào sản xuất một cách cụ thể, hiệu quả. Đây cũng là nền tảng để huyện tiếp tục hình thành các mô hình kinh tế hàng hóa, nhất là các mô hình HTX dược liệu sạch, dược liệu hữu cơ”, ông Thanh nói.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp hàng hóa
Có thể thấy, việc tận dụng thế mạnh tự nhiên cũng như nhận thấy tầm quan trọng của mô hình HTX đã giúp Thủ đô ngày càng phát triển, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Các HTX luôn tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. |
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đánh giá, hưởng ứng phong trào "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc, thông qua các mô hình kinh tế hàng hóa, thu nhập và đời sống của người dân đã được nâng lên, góp phần không nhỏ vào quá trình giảm nghèo của các địa phương trên địa bàn Thủ đô.
“Nhiều HTX trồng dược liệu hữu cơ còn quyết định đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau hữu cơ, nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống, giúp nhiều thành viên vươn lên làm giàu”, ông Trường nói.
Tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, xuất phát từ niềm đam mê với nông nghiệp sạch từ cây dược liệu và khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương Khánh Hà, tháng 7/2017, chị Nguyễn Thị Thu đã quyết định đứng ra vận động thành lập HTX Tâm An.
Thời gian đầu, HTX lựa chọn những cây dược liệu quen thuộc, dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao để canh tác như đinh lăng, cà gai leo, chùm ngây... Sau khi trồng, HTX thực hiện bán thô cho các công ty dược tại Hà Nội và các tỉnh lân cận để “lấy ngắn nuôi dài”.
Sau đó, khi tích lũy được một nguồn vốn đủ lớn, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất các loại trà đóng gói từ dược liệu như: Trà chùm ngây, trà cà gai leo và một số mỹ phẩm chiết xuất từ dược liệu với thương hiệu Tâm An.
Đến nay, các sản phẩm trà và mỹ phẩm thảo dược của HTX Tâm An đã có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị lớn như: Lotte, Aeon Mall, Vinmart, T-mart…
Không chỉ dừng lại ở cây dược liệu hữu cơ, nắm bắt được nhu cầu về nông nghiệp sạch trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước, thời gian qua, HTX Tâm An đã quyết định đẩy mạnh phát triển mô hình trồng rau hữu cơ. Dù sản lượng vẫn còn hạn chế nhưng nông sản hữu cơ của HTX hiện cho giá trị cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại được canh tác theo phương thức truyền thống.
Chị Thu chia sẻ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là định hướng mà HTX đang nỗ lực theo đuổi. Trên thị trường có rất nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua được nông sản có uy tín, bảo đảm chất lượng.
“HTX Tâm An ứng dụng phương pháp “nuôi trồng phân bón tại chỗ”, nghĩa là tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, phụ phẩm nông nghiệp như: Ốc, cá, thân chuối, bèo tây, rác thải hữu cơ… để tạo giá trị dinh dưỡng cho đất”, chị Thu chia sẻ.
Có thể thấy, mô hình sản xuất của HTX Tâm An không chỉ giúp HTX và thành viên làm giàu, mà còn thể hiện rõ vai trò của các HTX trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch giảm nghèo mà TP Hà Nội đề ra.
Kim Yến