Khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Giang rất thích hợp để phát triển dược liệu. Người dân ở đây cũng từng sống và gắn bó với các loại cây dược liệu quý nhưng trước đó không quan tâm đến việc nâng cao giá trị sản phẩm. Điều này dẫn tới các loại dược liệu địa phương tuy có chất lượng tốt nhưng hầu hết lại bán thô ra thị trường. Một bộ phận người dân có ý thức trồng và phát triển dược liệu nhưng lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nên không thể phát triển bền vững mà còn làm giảm chất lượng môi trường tự nhiên.
Tuân thủ theo quy trình
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo UBND huyện Tây Giang cho rằng chỉ có liên kết người dân cùng nhau sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể thì mới thuận lợi trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Từ định hướng đó, Tây Giang đã hình thành, phát triển không ít HTX dược liệu hoạt động hiệu quả theo hướng bền vững.
Tiêu biểu là HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình (xã Lăng), chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết.
Hiện tại, HTX có 13 thành viên, diện tích trồng là 52ha ba kích tím tại các huyện Tây Giang, Quế Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị), Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ngoài các thành viên, HTX còn liên kết với 10 hộ dân trồng ba kích và 5 hộ dân trồng chè dây, nâng tổng số hộ liên kết lên thành 25 hộ.
Trồng dược liệu hữu cơ đòi hỏi sự kiên trì để mang lại hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường tự nhiên. |
Ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX cho biết tham gia liên kết với HTX phải chịu sự giám sát chặt chẽ, thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây dược liệu theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học.
“Người dân được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: kỹ thuật xây dựng vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích, chè dây…”, ông Hiển chia sẻ.
Ngoài sản xuất hữu cơ, HTX Thiên Bình còn đầu tư máy móc thực hiện chế biến dược liệu theo hướng khép kín. Các bộ phận của dược liệu đều được tận dụng triệt để phục vụ sản xuất ra các sản phẩm khác nhau nên không phát sinh rác thải, lại nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, sản phẩm của HTX đã được doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu phân phối sản phẩm ra thị trường.
Hay như HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm (xã Ch’ơm) đang hỗ trợ người dân trồng cây đẳng sâm hữu cơ. Thay vì tự do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ mỗi khi vào rừng, khi chuyển qua trồng cây dược liệu, toàn bộ quá trình chăm sóc, bà con phải tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, từ cải tạo đất đến việc không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, các chất cấm... Nhờ đó, đẳng sâm không chỉ cho chất lượng cao mà môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện.
Theo ban giám đốc HTX Ch’Ơm, cứ 2 - 3 tháng, HTX tập huấn nhắc lại quy trình cho những hộ tham gia trồng dược liệu một lần. HTX cũng là nơi tổ chức các buổi giao lưu học tập kinh nghiệm về dược liệu cho người dân.
Xu hướng tất yếu
Có thể thấy, canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dược liệu (thảo dược) hữu cơ ngày càng tăng và dần trở thành xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu và đây được xem là một trong những cơ hội cho các HTX sản xuất dược liệu ở Tây Giang.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX Thiên Bình cho biết ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, những người đứng đầu HTX đã xác định vừa trồng dược liệu, vừa trân trọng cây cỏ, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, HTX lựa chọn cách làm theo hướng hữu cơ, sử dụng nguồn nước tự nhiên để phun tưới, không dùng bất cứ chất hoá học nào tác động vào cây.
Tuy nhiên, để tuân thủ nghiêm ngặt được những điều này trong toàn bộ quá trình trồng thì không phải người dân nào cũng làm được. Vì bà con nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, vốn quen với lối sản xuất nhỏ lẻ, tự do.
Người dân đã nâng cao ý thức sản xuất bền vững nhờ được các HTX hướng dẫn cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dược liệu. |
Nhờ kiên trì theo định hướng sản xuất bền vững và đẩy mạnh hỗ trợ người dân, đến nay, không chỉ HTX Thiên Bình mà nhiều HTX khác cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định trong trồng dược liệu đi đôi với bảo vệ môi trường như: HTX Dược liệu Tây Giang, HTX Trường Sơn Xanh, HTX Dược liệu Đức Huy…
Theo thống kê của huyện, từ việc phát triển trồng các loại dược liệu kể trên, Tây Giang đã hình thành 7 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.
Các HTX, tổ hợp tác dược liệu đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao theo hướng hữu cơ. Đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo nhu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của con người.
Đặc biệt, các mô hình này đã thực sự làm thay đổi một phần tư duy và cách nghĩ của người dân, tạo sự chuyển biến cách làm trong việc trồng trọt và chăm sóc cây dược liệu trên vùng đất Tây Giang.
Như Yến