Xã Thanh Mỹ nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung vốn được mệnh danh là vùng đồi gò của TP Hà Nội. Việc phủ xanh vùng đất này bằng cây sâm bố chính đã giúp đất đai thêm màu mỡ, hạn chế xói mòn, rửa trôi. Đặc biệt, khi HTX Phúc Lâm áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ đã tạo ra một vùng dược liệu sinh thái có giá trị kinh tế và thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp.
Tiết kiệm nước, sạch môi trường
Trước đây, diện tích đất đồi xã Thanh Mỹ chỉ chuyên trồng cây sắn, thế nhưng nhận thấy chủ trương phát triển cây dược liệu của TP Hà Nội, các thành viên đã thuê 5ha đất của 100 hộ nông dân với mức giá 1,5 triệu đồng/sào/năm để trồng sâm bố chính.
Mô hình trồng sâm bố chính được HTX Phúc Lâm canh tác theo quy trình hữu cơ, có ứng dụng một phần công nghệ cao ở những công đoạn tưới nước tự động, ươm giống...
Đặc biệt, công nghệ tưới tự động đã đáp ứng được tiêu chí tiết kiệm tối đa nước. Thay vì phải tưới 1- 2 lần trong ngày, HTX chỉ cần tưới 1 lần/ngày, sau đó là 3-4 lần/tuần. Nếu tưới nước theo phương thức truyền thống, đất vẫn bị khô do nước bay hơi rất nhanh trên bề mặt đất rộng. Tuy nhiên, công nghệ tưới tiết kiệm đã khắc phục được điểm yếu này, lượng nước tiết kiệm đạt tới 60% mà luôn cung cấp đủ độ ẩm cho cây sâm.
Thông thường, thời vụ trồng sâm bố chính của HTX bắt đầu vào mùa xuân, đến tháng thứ 9 năm sau sẽ được thu hoa và đến mùa xuân năm sau sẽ được thu củ. Cả lá, hoa và củ sâm bố chính đều có thể chế biến thành thực phẩm chức năng nên cho giá trị kinh tế cao.
Đầu tư hệ thống tưới tự động giúp hạn chế rửa trôi chất dinh dưỡng và đất trong quá trình sản xuất. |
Để đáp ứng quy trình sản xuất, các thành viên phải nắm bắt từng kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế… Và trong quá trình trồng, HTX tuân thủ nguyên tắc: không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ và phân bón hóa học. Toàn bộ quy trình trồng được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm truy xuất được nguồn gốc.
Theo các thành viên, được sự hướng dẫn của các nhà quản lý nên quy trình sản xuất sâm bố chính hữu cơ không khó thực hiện, ít tốn kém chi phí đầu tư... Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm như dễ bị sâu bệnh tấn công.
Sau mỗi vụ thu hoạch, các thành viên thực hiện cải tạo đất bằng cách trồng các loại cây họ đậu và cày vùi thân lá cây để tạo độ tơi xốp cho đất. Bên cạnh đó, các thành viên xử lý sâu bệnh bằng thuốc trừ sâu sinh học hoặc thảo mộc như hỗn hợp dung dịch sả ớt xay nhuyễn sau khi ngâm với nước để phun phòng trừ.
Đầu tư công nghệ cùng việc không sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nên mô hình sản xuất sâm bố chính của HTX đã đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Đất đai thêm tơi xốp mà hiện tượng vỏ bao thuốc, rác nông nghiệp vứt khắp cánh đồng không xảy ra. Thay vào đó là cánh đồng sâm bố chính xanh tốt, ra hoa đẹp mướt mắt và cho thu nhập kinh tế cao hơn trồng sắn gấp nhiều lần. Theo tính toán, khi thu hoạch trọn 1 vụ, mỗi ha sâm bố chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Định hướng cho tương lai
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, nhận thức về sản xuất sản phẩm dược liệu hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường đã được người nông dân trực tiếp sản xuất đồng thuận, hưởng ứng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Đây là tiền để để nâng cao chất lượng môi trường và cũng giúp HTX mở rộng diện tích trong tương lai.
Hiện, trung bình mỗi ngày HTX thu hái khoảng 300 - 400kg hoa sâm, đem sấy lạnh hoặc để chế biến thành trà sâm, được bán với giá 70.000 đồng/hộp 65gr. Ngoài ra, HTX còn chế biến 15 loại sản phẩm khác nhau từ hoa, lá, thân và củ sâm như: Mỹ phẩm dưỡng da, tinh bột hoa sâm nano, tinh bột nhân sâm nano, sâm tươi…
Không chỉ dừng lại ở đó, mô hình trồng sâm bố chính còn tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với mức lương ổn định 6 triệu đồng/tháng.
Trồng sâm bố chính hữu cơ mang lại giá trị kinh tế và môi trường nên được các cấp ngành quan tâm. |
Thành công bước đầu của mô hình trồng sâm bố chính tại HTX Phúc Lâm đang mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho thị xã Sơn Tây. Đây là mô hình mới với sản phẩm nông nghiệp được bảo quản, chế biến bằng công nghệ cao, có sự hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho nông dân về phát triển kinh tế tập thể.
Theo Ban giám đốc HTX, lúc đầu xây dựng và phát triển vùng dược liệu hữu cơ rất khó khăn do người dân chưa đồng thuận và chưa thấy được giá trị mà mô hình mang lại. Nhưng sau khi thuyết phục thấy được những lợi ích quý báu của cây dược liệu hữu cơ đối với sức khỏe cũng như môi trường sinh thái, nhiều người dân trong vùng đã đồng ý cho HTX thuê đất và phát triển vùng dược liệu. Từ 5ha, đến nay, HTX đã có diện tích trồng lên gần 20ha.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, Ban giám đốc HTX sẽ vận động bà con có đất tham gia tiếp, hỗ trợ họ về mặt kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài, HTX nghiên cứu các phương thức tích tụ ruộng đất trong đó có việc kêu gọi nông dân sử dụng chính thửa đất của mình để góp cổ phần. Có cổ phần, kinh doanh hiệu quả, nông dân sẽ tự khắc hào hứng, chủ động tham gia chứ không chỉ bị động là cho thuê đất rồi làm thuê trên chính mảnh đất của mình như đang áp dụng.
Như Yến