Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng là một trong những đối tượng thụ hưởng những hỗ trợ này, trong đó có nhiều chính sách liên quan tới ngành bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tạm dừng đóng nhưng đảm bảo quyền lợi
Giám đốc một HTX Dịch vụ - Vận tải ở tỉnh Đồng Nai cho biết, từ khi địa phương này và nhiều tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động vận tải hành khách của HTX bị "đóng băng", dẫn đến đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ không có thu nhập. Do vậy, HTX bày tỏ băn khoăn về điều kiện để nhận được hỗ trợ của BHXH cho người lao động cũng như HTX. Cụ thể là điều kiện để HTX được thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của họ.
HTX bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 sẽ được thực hiện việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. |
Giải đáp về vấn đề này, BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì đơn vị bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 sẽ được thực hiện việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có đủ 2 điều kiện: Đã đóng đủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động đến hết tháng 4/2021 và giảm 15% lao động tại tháng đơn vị lập hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất so với số lao động của đơn vị tháng 4/2021.
Số lao động tham gia BHXH tính giảm chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/5/2021.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng giải thích về điều kiện để doanh nghiệp, HTX có thể nhận được chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, một trong những điều kiện để HTX được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đóng đủ BHXH cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Nếu đáp ứng điều kiện trên, HTX lập danh sách người lao động tham gia đào tạo theo Phụ lục 1 kèm theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, gửi cơ quan BHXH nơi đang quản lý thu BHXH đối với đơn vị qua giao dịch điện tử hoặc Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam. Trường hợp đơn vị chưa thực hiện được giao dịch điện tử thì gửi hồ sơ giấy (gửi trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích). Cơ quan BHXH sẽ giải quyết trong thời gian không quá 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Đây chỉ là hai trong số nhiều hỗ trợ dành cho khu vực HTX - đối tượng đang chịu đang động khá lớn từ đại dịch COVID-19, cho thấy vai trò của việc tham gia chính sách BHXH là rất quan trọng.
Mở rộng đối tượng tham gia
Theo thống kê từ BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 15,2 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; khoảng 13,5 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 88,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,28% dân số.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp, HTX lao đao, tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng, chính sách BHTN đã trở thành “điểm tựa”, giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế, xã hội. BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành LĐTB&XH giải quyết cho 86.990 người hưởng các chế độ BHTN, trong đó hơn 85.000 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 1.674 người hưởng chế độ học nghề. Ngoài ra, có khoảng 10,7 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) nội và ngoại trú.
Phủ lấp khoảng trống về chính sách BHXH trong khu vực HTX cũng đồng nghĩa với việc nhiều người lao động, thành viên HTX được thụ hưởng quyền lợi, đảm bảo an sinh xã hội. BHXH Việt Nam cho biết đã cùng vào cuộc với các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH khảo sát việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến các thành viên HTX tại Hà Nội, TP.HCM và Quảng Nam. Đồng thời, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.
Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT giai đoạn 2021-2025; đề xuất Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, công tác hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong thời gian qua đã được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời. “Từ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị đến nỗ lực của từng cán bộ nhân viên trong những ngày giãn cách đã cho thấy được tinh thần đoàn kết, chung tay cùng đất nước phòng chống dịch bệnh”, ông Mạnh nói.
Thy Lê