Từ một thanh niên với hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Văn Nhi (thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã thành công với nghề trồng nấm. Qua quá trình phát triển, đến nay, HTX nấm do anh làm giám đốc đang tập trung sản xuất các loại như: Nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm milky hoàng đế… thu về tiền tỷ và liên tục đón đưa các đoàn khách thăm quan.
Thành công từ... thất bại
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Nguyễn Văn Nhi thấu hiểu được nỗi vất vả “một nắng hai sương” của bố mẹ. Vì thế, ngay từ nhỏ khát vọng tìm kiếm cơ hội thoát nghèo luôn đau đáu trong tâm trí của chàng trai này.
Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm nấm linh chi HTX Nhơn Phước đã được UBND TP. Đà Nẵng đánh giá OCOP 3 sao năm 2020 |
Năm 2012, xuất phát từ niềm đam mê học hỏi và quyết tâm làm giàu, anh Nhi đã chọn khởi nghiệp từ nghề trồng nấm bào ngư, nấm linh chi.
Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, nhất là trồng nấm linh chi nên liên tục thua lỗ, nhưng không vì thế mà anh nản lòng. Hằng ngày, anh dành phần lớn thời gian tìm tòi về cây nấm. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ sách vở, báo, đài, anh còn lặn lội tới nhiều địa phương tham quan mô hình trồng nấm thành công để trau dồi kiến thức.
Thế rồi “trời không phụ lòng người”, lợi nhuận thu được từ vụ nấm đầu tiên đã tiếp thêm động lực để anh Nhi cố gắng đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng, đồng thời nâng cao năng suất đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch.
Nhận thấy mô hình liên kết, sản xuất tập thể mang tính bền vững, năm 2016, anh Nhi đã mạnh dạn thành lập HTX nấm Nhơn Phước với 7 thành viên sản xuất trên diện tích 2.500 m2.
Giám đốc HTX Nhơn Phước Nguyễn Văn Nhi cho biết, trồng nấm vừa giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường từ các phế phẩm nông-công nghiệp, vừa tạo ra được sản phẩm giàu dinh dưỡng, sạch sẽ, an toàn.
Qua quy trình kỹ thuật trồng nấm, từ khâu lựa lựa chọn nguyên liệu làm phôi, giống, nguồn nước tưới, chăm sóc... tất cả đều được chị Nguyễn Thị Liên, thành viên HTX áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để nấm có nhiều dinh dưỡng, chị Liên trộn thêm cám gạo, bột ngô, đỗ tương vào mùn cưa, rơm, rạ với tỉ lệ hợp lý, cân đối lại độ ẩm; sau đó, cho vào máy hấp, sấy để tiệt trùng và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho nấm. Đặc biệt chú ý kiểm soát nhiệt độ: mùa nắng nóng thì phải đưa ra giá thể nấm ra chỗ thoáng mát; khi thời tiết lạnh cần che chắn kỹ càng để bảo đảm quá trình sinh trưởng của nấm...
“Với mỗi loại nấm, chế độ dinh dưỡng, độ ẩm và nhiệt độ cũng khác nhau. Tuy nhiên, trong sản xuất chúng tôi tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, phun thuốc trừ sâu hay chất kích thích”, chị Liên khẳng định.
Bởi vậy, nấm theo tiêu chuẩn VietGAP ở HTX Nhơn Phước không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường, đảm bảo sức khỏe người dân, mà còn giúp nấm sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Ổn định đầu ra
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Nhơn Phước, anh Nhi đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc tiên tiến vào trồng nấm như: máy hấp phôi nấm tự động, dây chuyền đóng bịch, máy tưới nước phun sương, máy đóng gói… nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công, tăng thu nhập cho các thành viên.
Hiện, HTX đang dồn lực, tập trung phát triển các sản phẩm nấm chế biến, trong đó có nấm linh chi. |
Anh Nhi phân tích, phân khúc khách hàng của nấm hiện rất lớn. Tuy nhiên, nhược điểm của sản phẩm nấm này là thời gian bảo quản ngắn và khó bảo quản khi vận chuyển xa. Do đó, để khắc phục toàn bộ những hạn chế này, HTX sấy nấm sau thu hoạch chế biến thành nấm đóng lon, chả nấm,… đa dạng sản phẩm và đáp ứng thị hiếu tiêu dùng.
Cũng chính việc áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào trồng nấm, từ năm 2016 đến nay, sản phẩm HTX đã được “lên kệ” nhiều kênh phân phối bán lẻ hiện đại, các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini trong và ngoài khu vực.
Tham gia vào HTX, các thành viên được cung cấp giống, bao tiêu đầu ra và duy trì mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/hộ mỗi tháng tùy theo quy mô sản xuất.
Hiện nay, HTX đang sản xuất gối đầu khoảng 30.000 bịch phôi nấm các loại, với sản phẩm chủ đạo là nấm bào ngư và nấm linh chi đỏ. Hơn nữa, HTX còn nhận cung cấp hơn 100.000 bịch phôi giống cho các hộ gia đình trồng nấm trên địa bàn TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam.
Nhẩm tính về thành quả kinh doanh, anh Nhi cho biết: Hiện, HTX cung ứng ra thị trường 1,5-1,8 tấn/tháng, đối với nấm bào ngư, giá bán 50.000-60.000 đồng/kg. Riêng nấm linh chi, mỗi năm HTX chỉ trồng 2 vụ nên sản lượng thu được khoảng 500kg mỗi năm, giá bán dao động từ 900.000-1.200.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, HTX thu lãi 400 triệu đồng/năm, cuộc sống các thành viên ngày càng khấm khá.
Không những vậy, HTX còn tạo việc làm cho có 7 lao động cố định và 4 lao động thời vụ với mức lương 200.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, trước dịch Covid-19, HTX thường xuyên tiếp đón các đoàn sinh viên đến thực tập và nghiên cứu quy trình trồng các loại nấm nhằm tạo nên một môi trường giao lưu học hỏi, bổ ích trong cộng đồng.
“Thời gian tới, HTX sẽ không ngừng học hỏi để cải tiến và phát triển sản xuất, tiếp tục lên kế hoạch trồng nấm linh chi quanh năm, nâng cao sản lượng và hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, đẩy mạnh khâu tiêu thụ, mở rộng thị trường và chủ động về đầu ra nhằm tăng lợi nhuận...”, anh Nhi nói.
Tô Thương