Tiếng là một địa phương có lợi thế phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, kết quả đạt được lại chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện, nhất là hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn chưa đạt chuẩn tiêu chí huyện nông thôn mới do mặt đường hẹp. Nông nghiệp, nông thôn tuy có phát triển nhưng sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát vì chưa có quy hoạch vùng... Những điều này làm cản trở việc nâng cao thu nhập của người dân, và làm chậm quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa
Nhằm hướng tới xây dựng nông thôn có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân... huyện Lấp Vò đã có định hướng cụ thể.
Theo đó, huyện đang khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt là nhân dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua các mô hình kinh tế tập thể theo nguyên tắc tự nguyện, đạt hiệu quả kinh tế cao, nhằm nhanh chóng giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện thu hút đông đảo lực lượng thanh niên làm kinh tế thông qua mô hình HTX, THT.
THT sản xuất xoài theo hướng an toàn tại xã Định Yên đang giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Đến cuối năm 2020, toàn huyện đã có 16 mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên. Các mô hình này tham gia sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, làng nghề truyền thống, dịch vụ… Cụ thể có 4 THT dịch vụ nông nghiệp, 3 THT chăn nuôi bò thịt, 1 THT trồng cỏ đậu phộng giống, 1 THT nuôi ếch thịt, 1 THT dệt chiếu, 4 THT trồng cam và quýt đường, xoài, 1 THT trồng nấm, 1 THT cây giống với tổng số 84 thành viên.
Các mô hình này đã khơi gợi tinh thần tập thể trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để người dân có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất, huyện đã kết hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh hoạt động tín chấp, giúp nhân dân có nguồn lực để phát triển kinh tế.
Tiêu biểu như THT sản xuất xoài theo hướng an toàn tại xã Định Yên đang áp dụng quy trình trồng xoài an toàn. Lúc trước, khi người dân không theo mô hình THT, xoài làm ra màu không đẹp nên giá bán thấp. Nhờ vào THT, thành viên không chỉ tiết kiệm được 6 - 7 lần phun thuốc bảo vệ thực vật mà chất lượng xoài làm ra đúng yêu cầu. Mẫu mã quả xoài đẹp nên bán ra thị trường được khách hàng ưa chuộng, từ đó nâng lợi nhuận, bà con cũng rất phấn khởi tham gia mô hình.
Ông Đặng Văn Khênh, thành viên THT, có diện tích canh tác xoài khoảng 16.000 m2. Theo tính toán, mỗi vụ ông có lãi 20-25 triệu đồng nhờ trồng xoài.
Xây dựng nông thôn mới toàn diện
Từ những định hướng cũng như sự hỗ trợ của huyện, việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể chính là giải pháp hiệu quả có thể giải quyết đồng thời nhiều vấn đề. Một trong những điểm dễ thấy nhất là các THT không chỉ phát triển kinh tế cho thanh niên, nông dân mà còn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đưa nông nghiệp sản xuất theo quy mô lớn. Từ đây, thu nhập của người dân được nâng cao và phát triển được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Liên kết sản xuất giúp nâng cao tiềm năng, thế mạnh của địa phương. |
Đến nay, huyện đã có gần 3.000ha lúa, sản lượng hơn 16.000 tấn, tăng 535,7ha (tương đương 15%) và hơn 3.700 tấn so với năm 2017.
Với sản xuất hoa màu, Lấp Vò đã hình thành được những vùng sản xuất tập trung như: sản xuất khoai môn theo hướng an toàn với diện tích 100ha tại các xã: Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Tân Mỹ...
Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Mỹ An Hưng B với diện tích 0,2ha và xã Định An với diện tích 0,4ha, mô hình nhà kính trồng rau màu ở xã Tân Khánh Trung với diện tích 0,4ha. Ngoài ra còn có vùng trồng xoài VietGAP ở xã Định Yên (4ha), cùng trồng cam (5,3ha) và nhãn (3ha) theo quy trình VietGAP ở xã Tân Khánh Trung…
Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhờ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Lấp Vò đạt nhiều kết quả khá toàn diện. Đến nay, Lấp Vò có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương tự đánh giá đến cuối năm 2020 thực hiện đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới gồm: thủy lợi, điện, sản xuất, môi trường, an ninh - trật tự xã hội, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu mà huyện đề ra là các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng chất các nội dung tiêu chí nông thôn mới theo tiêu chí mới giai đoạn 2021 – 2025. Phấn đấu đến cuối năm 2021, Lấp Vò hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025, địa phương có 2 xã thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Tùng Lâm