Phát huy thế mạnh làng nghề cơ khí và bánh đa nem, HTX Xuân Tiến đang tạo sinh kế bền vững cho khoảng 50 lao động với thu nhập trung bình từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Gìn giữ nghề truyền thống
HTX Xuân Tiến được thành lập vào tháng 7/2018 nhằm tập hợp các hộ cá thể trong làng nghề, sản xuất tập trung và đáp ứng các đơn hàng lớn. Sản phẩm chủ lực của HTX thuộc lĩnh vực cơ khí và dịch vụ nông nghiệp.
HTX Xuân Tiến sản xuất sản phẩm lò sấy mini như lò sấy thóc, lò sấy nhãn, lò sấy vải được sản xuất theo đơn đặt hàng với giá thành hợp lý, chất lượng vượt trội so với sản phẩm nhập ngoại. Trong đó sản phẩm nổi bật là sản phẩm lò sấy thóc mini.
Ông Mai Văn Khang, Giám đốc HTX Xuân Tiến giới thiệu về hệ thống máy móc. |
Là địa phương thuần nông, hầu hết các hộ dân nơi đây vẫn phải phơi thóc thủ công nên gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo chất lượng thóc, nhất là khi thu hoạch lúa có mưa bão liên tục kéo dài khiến chất lượng lúa, thành phẩm không đồng đều… Ðể khắc phục thực trạng đó, HTX đã nỗ lực nghiên cứu, sản xuất lò sấy thóc mini, đáp ứng nhu cầu sấy các mẻ thóc với khối lượng nhỏ, phù hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của hộ sản xuất.
Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, HTX Xuân Tiến sản xuất thành công lò sấy thóc với đa dạng kích cỡ, dễ vận hành và ít tiêu hao nhiên liệu, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Nam Định và cả nước.
Ngoài cung cấp máy móc cơ khí, năm 2019, HTX mở rộng và phát triển thêm mảng sản xuất nông nghiệp và chế biến mỳ gạo, bánh đa nem. Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, các thành viên HTX tự trồng 30 mẫu lúa, tự sấy gạo.
Theo ông Mai Văn Khang, Giám đốc HTX, mô hình sản xuất bánh đa nem ở địa phương vẫn chủ yếu theo hình thức tự phát, tận dụng không gian đường làng, ngõ xóm để phơi bánh, quy trình sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đặc biệt, khâu tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua thương lái nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, đầu ra không ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu.
Lò sấy khép kín, không tiếp xúc với môi trường bên ngoài giúp hạn chế bụi bẩn. |
Trong điều kiện thị trường ngày càng rộng mở nhưng làng nghề Xuân Tiến chưa đủ tầm để được đón nhận bởi rào cản lớn từ khâu sản xuất, phơi bánh mất vệ sinh. Đứng trước thực trạng này, HTX buộc phải đưa ra hướng đi mới nhằm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giữ gìn nghề truyền thống địa phương, xây dựng thương hiệu mỳ gạo, bánh đa nem Xuân Tiến.
Đón đầu công nghệ
Hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm bánh đa nem và mỳ gạo ngày càng cao, đặc biệt là những sản phẩm sản xuất chất lượng, mẫu mã đa dạng. Vì vậy việc sản xuất, kinh doanh phải theo xu hướng chung thì mới đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việc đầu tư mới dây chuyền sản xuất sẽ làm cho các thành viên HTX có ý thức hơn trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đa dạng về chủng loại. Đồng thời cũng là động lực để HTX phát triển thêm những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ quanh năm của người tiêu dùng.
Với mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng cho hệ thống nhà xưởng, máy móc, cơ sở sản xuất bánh đa nem, HTX Xuân Tiến tiên phong cho hướng sản xuất hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần đưa thương hiệu bánh đa nem Xuân Tiến "rũ bỏ" lối sản xuất manh mún để vươn tới các thị trường “màu mỡ” hơn.
Các lao động đều được trang bị bảo hộ lao động để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín từ khâu xay bột, tráng bánh, sấy thành phẩm, đóng gói. Theo đó, nguyên liệu đầu vào được xay bằng máy để thành bột gạo, qua quá trình pha chế đưa qua van sang máy tráng bánh, qua hệ thống nấu hơi thành sản phẩm bánh đa nem ướt.
Sau đó, thay vì phơi nhờ ánh nắng mặt trời, các phên liếp được xếp ngăn ngắn vào nhà sấy. Ở công đoạn này, công nhân chỉ cần nhấn nút khởi động đã được cài đặt nhiệt độ và thời gian và chờ để đưa bánh khô ra ngoài.
Nhờ đó đã phát huy được hiệu quả, tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục những hạn chế của việc sản xuất theo phương thức truyền thống. Trung bình một tháng HTX sản xuất được 120-150 tấn bánh đa nem, mỳ gạo.
Sản phẩm mỳ gạo được các công ty thực phẩm thu mua. |
Việc sản xuất không phụ thuộc thời tiết có thể giúp HTX mở rộng sản xuất và tiếp cận thị trường ngoài tỉnh và manh nha “lấn sân” thành mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Khang cho biết, mỗi ngày HTX sản xuất 3-5 tấn mỳ gạo, bánh đa nem, các sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, cung không đủ cầu. HTX dự kiến sẽ mở rộng và xây dựng thêm nhà xưởng, đầu tư máy móc công nghệ cao.
"Chúng tôi mong muốn các tổ chức tín dụng, Quỹ hỗ trợ sẽ hỗ trợ vay vốn, tạo động lực cho HTX và thành viên tăng gia sản xuất, xây dựng thương hiệu", ông Khang nói.
Dù mới thành lập 3 năm nhưng với sự đồng lòng của các thành viên, đến nay, HTX Xuân Tiến không chỉ phát huy nội lực địa phương mà còn nhanh nhạy ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, mang đến doanh thu lớn cho HTX và thu nhập cho thành viên. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động làm nghề chế biến bánh đa nem, mỳ gạo đạt 5-6 triệu đồng/tháng; lao động làm nghề cơ khí đạt 10 triệu đồng/người/tháng.
Xuân Mai