Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, năm 2020, HTX Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đạt sản lượng 70 tấn nấm tươi/năm, 6 tấn linh chi/năm sấy khô, 200 lít rượu linh chi, tiêu thụ rộng rãi tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, TP.HCM…
Khởi nghiệp xanh
Anh Nguyễn Văn Thành, giám đốc HTX Linh Phát cho biết, sở dĩ anh lựa chọn nấm là hạt giống khởi nghiệp bởi nấm không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, giá thể sau khi thu hoạch có thể ủ phân hữu cơ, làm phân bón.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thành (bên phải) chia sẻ về nguyện vọng vay vốn ưu đãi. |
Anh Thành cho biết trước đây, khi nghề trồng nấm trên địa bàn xã Hải Chính chưa phát triển, hầu hết các phụ phẩm nông nghiệp rơm, rạ, lõi ngô… người dân thường đốt sau thu hoạch, gây ô nhiễm, cản trở giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể nói, trong quy trình trồng nấm, không có thứ gì gọi là rác hoặc rác cũng có thể biến thành “vàng”, do đó anh Thành xin rơm, thậm chí mua lại của người dân để trồng nấm.
Nhiều người còn cho anh là “khùng” khi vơ rác, rơm rạ về nhà, nhưng khi xưởng nấm giải quyết việc làm cho gần chục lao động và ngày càng "ăn lên làm ra" thì nhiều người đã phải thay đổi suy nghĩ. Ban đầu anh Thành chỉ khởi nghiệp ở quy mô hộ gia đình nhưng khi chính những người lao động trong xưởng ngỏ ý cùng anh góp công góp của mở rộng quy mô sản xuất, anh đã không ngại chia sẻ và giúp đỡ bà con. Từ đó, HTX Linh Phát được thành lập với 8 thành viên.
Hệ thống lò hấp theo công nghệ cao. |
Giám đốc HTX cho biết sản xuất nấm không khó nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, bản thân anh cũng từng vấp phải nhiều thất bại, hơn 50.000 bịch phôi hỏng, vốn “đổ sông đổ bể”. Song, quyết tâm không bỏ cây nấm, anh đăng ký lớp học tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp, thuộc Bộ NN&PTNT) và đến nhiều cơ sở, mô hình trồng nấm có tiếng để học hỏi.
Với những kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh Thành thường xuyên chia sẻ, cập nhật kỹ thuật cho thành viên và người lao động trong HTX. Anh cho biết khi trồng nấm, điều quan trọng cần quan tâm đến kỹ thuật, nhất là khâu vệ sinh trước và sau khi thu hoạch. Cụ thể, nhiệt độ lý thưởng trồng nấm là dưới 35 độ C, ánh sáng vừa đủ và nguồn nước tưới phải bảo đảm sạch sẽ, không nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Quy trình sản xuất nấm từ khâu lựa chọn nguyên liệu làm phôi, chọn giống, nguồn nước tưới, thu hoạch, bảo quản... đều được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản lượng nấm tăng cao, chất lượng nấm đồng đều, đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết hàng đến đó, vào các dịp cuối năm luôn cháy hàng, anh Thành chia sẻ.
Có tham vọng mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ nhưng HTX thiếu nguồn lực, khó vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Nhờ Liên minh HTX tỉnh Nam Định tư vấn và hướng dẫn làm dự án vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, HTX vay được 830 triệu trên tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng vào xây dựng nhà xưởng, mua máy móc hiện đại, dây chuyển sản xuất nấm tự động...
Ứng dụng công nghệ cao nâng sao OCOP
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm không chỉ tăng năng suất và sản lượng nấm mà còn thu hút thêm các thành viên tham gia HTX. Tính đến cuối năm 2020, tổng số thành viên của HTX là 25 thành viên, giải quyết việc làm cho 45 lao động với mức thu nhập 7,7 triệu đồng.
Mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 70 tấn nấm tươi các loại. |
Không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX Linh Phát còn lấn sân sang mảng chế biến với các sản phẩm trà nấm linh chi, rượu linh chi, nấm linh chi sấy khô… Với cách làm chuyên nghiệp và bài bản, HTX đang sở hữu 3 sản phẩm OCOP 3 sao và bước đầu tạo được tên tuổi trong thị trường.
Kinh tế của HTX phất lên nhanh chóng, doanh thu liên tục tăng, năm 2018 đạt 4,1 tỷ đồng, năm 2019 đạt 5,7 tỷ đồng. Với những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và sự đồng lòng của ban giám đốc, thành viên, HTX nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các giải thưởng cao quý khác.
Nấm linh chi cho giá trị kinh tế cao, khoảng 400.000 - 600.000 đồng/kg |
Thành công không giữ riêng cho mình, anh Thành cho biết HTX có kế hoạch hợp tác với Viện Di truyền Việt Nam xây dựng phòng lab, khu nuôi cấy phôi tại xã Hải Chính để từ đó có thể nhân rộng các cá thể nấm tốt, bán giống và lan tỏa mô hình kinh tế cho người dân các tỉnh lân cận.
"Chi phí đầu tư quá lớn, HTX kiến nghị với Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho HTX và thành viên vay vốn để xây dựng mô hình nhà kính, hội tụ được các yếu tố nhiệt độ ánh sáng, đảm bảo chất lượng nuôi trồng phôi nấm nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu cho HTX" anh Thành nói.
Xuân Mai