Từ năm 2015 đến nay, huyện Hải Hậu đã xây dựng thành công hàng loạt vùng sản xuất hiệu quả, có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, điển hình như cánh đồng lớn trồng cây dược liệu, cây rau màu kết hợp nuôi trồng thủy sản rộng trên 290 ha; vùng sản xuất lúa đặc sản (tám, nếp) rộng hơn 800 ha…
Toàn huyện hiện có 29 cánh đồng lớn (quy mô khoảng 30 ha/cánh đồng), tổng diện tích trên 2.630ha tại 14 xã, thị trấn.
Hiệu quả cao từ chuyển đổi
Việc phát triển sản xuất theo thế mạnh của từng vùng đã góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, cho hiệu quả vượt trội.
Các mô hình sản xuất theo vùng tại Hải Hậu đang cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh TL). |
Đơn cử như mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát, xã Hải Chính. Hiện, mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường hơn 5 tấn nấm linh chi, 70 tấn nấm bào ngư và 30 tấn nấm mèo (mộc nhĩ).
Toàn bộ các sản phẩm của HTX đều được đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình VietGAP. HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 3 công ty chuyên thu mua, chế biến tại Hải Phòng, Hà Nội và Hưng Yên, cung cấp phôi nấm cho các xã lân cận trong và ngoài huyện như Hải Đường, Hải An, Hải Hưng, huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng…
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang tạo việc làm cho 25 thành viên, chủ yếu là người dân địa phương với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, ngoài các sản phẩm hiện có, HTX sẽ nghiên cứu từng bước thí điểm sản xuất đông trùng hạ thảo, nhằm tiếp tục nâng cao doanh thu, gia tăng thu nhập cho thành viên, người lao động.
Trong 5 năm qua, huyện Hải Hậu cũng xây dựng thành công 29 vùng cánh đồng lớn. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất trồng lúa của huyện đạt 80 - 90 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 12 - 15 triệu đồng.
Toàn huyện hiện cũng đang có 64 trang trại chăn nuôi lợn (theo tiêu chí mới) và 250 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Lợi nhuận bình quân đạt 250 - 300 triệu đồng/trang trại/năm.
Các vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã ven biển đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh với các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và thị trường ổn định.
Tạo hướng đi bền vững
Hiệu quả của quá trình chuyển đổi sản xuất theo vùng giúp Hải Hậu nâng giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác năm 2020 lên mức 135 triệu đồng (nếu tính cả diện tích nuôi trồng thủy sản thì đạt hơn 180 triệu đồng/ha/năm). Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện hiện đạt hơn 70 triệu đồng/năm.
Hiệu quả của các vùng sản xuất nông nghiệp đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh TL). |
Giai đoạnh 2020 - 2025, huyện đặt mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1%.
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn bố trí kinh phí, chủ động rà soát quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng trưởng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành lập phương án chuyển đổi linh hoạt quỹ đất, tham mưu xây dựng các chính sách về đất đai để hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa.
Đồng thời, huyện chủ động tiếp thu, triển khai ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và quy trình sản xuất, chế biến nhằm tăng chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nhật Minh