Tân Bình là một trong 5 xã cù lao của huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, kinh tế người dân là sản xuất nông nghiệp chiếm 70% diện tích đất canh tác với 713ha.
HTX Tân Bình đang thực hiện liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị |
Nâng cao thu nhập hộ thành viên
Những năm qua, do thâm canh để đạt năng suất, người dân địa phương đã lạm dụng nhiều phân hóa học làm cho cây trồng nhiễm nhiều sâu bệnh, đất đai bạc màu, năng suất cây ớt ngày càng sụt giảm.
Để khắc phục tình hình trên, năm 2003, HTX nông nghiệp Tân Bình đã ra đời có quy mô toàn xã với 1.189 thành viên là hộ kinh tế gia đình.
Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình cho biết, HTX Tân Bình hoạt động theo mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, đa hình thức hợp tác, nhất là trong sản xuất áp dụng các mô hình mới nhằm giảm chi phí, sản phẩm làm ra có chất lượng cao.
Trong đó, HTX tập trung phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như tưới tiêu, làm đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ vốn sản xuất, cắt gặt liên hợp, làm giống lúa và cây con, nước sinh hoạt nông thôn, phơi sấy và tồn trữ nông sản phẩm…
Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX Tân Bình luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành có liên quan tỉnh và huyện, nhất là Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương xã Tân Bình, trong việc hỗ trợ để kích thích phát triển HTX, cũng như vận động, tuyên truyền về phát triển kinh tế hợp tác, HTX ở địa phương.
Bên cạnh đó, bộ máy quản lý của HTX được các thành viên tín nhiệm và ổn định lâu dài, bản thân HTX tự biết vươn lên bằng khả năng vốn có, tận dụng thời cơ, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành để phát triển HTX.
Nhờ đó, HTX đã đat được nhiều thành tích quan trọng, nâng cao được thu nhập cho từng hộ thành viên. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của HTX đã đạt 4,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 500 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,7 triệu đồng/tháng.
Ngoài sản xuất, HTX còn quan tâm đến phúc lợi xã hội như dùng nguồn vốn tự có hỗ trợ vốn cho thành viên nghèo kinh tế khó khăn có nhu cầu, xây dựng nhà tình thương cho thành viên nghèo với số tiền tới 75 triệu đồng (năm 2018).
Mở rộng liên kết chuỗi
Năm 2018 HTX Tân Bình đang thực hiện liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với Công ty Lương thực Tân Hồng sản phẩm lúa sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với số lượng 50ha. Dự kiến, năm 2019, diện tích này sẽ được mở rộng lên 100ha theo tiêu chuẩn SRP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ đó giá cả sản phẩm cũng tăng lên.
Trong canh tác lúa luôn áp dụng các biện pháp hạ giá thành, chi phí như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm kết hợp với tiến bộ kỹ thuật như trang phẳng đồng ruộng, mở rộng bờ thửa bằng công nghệ laser, gieo cấy bằng công nghệ Nhật Bản kết hợp cày vùi phân bón thông minh.
HTX cũng đã đầu tư máy gặt liên hợp vào thu hoạch giúp giải quyết được việc thu hoạch đồng loạt thiếu công lao động và tiết kiệm được 70% chi phí cho thành viên, góp phần ổn định giá cả ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho thành viên. Ngoài việc tạo thuận lợi khâu thu hoạch, HTX còn giảm giá thu phí cắt gặt, trung bình là 5% đối với thành viên HTX.
Trên cây màu chủ lực là ớt tiếp tục sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm quảng bá thương hiệu Ớt Thanh Bình, trong canh tác giảm dần phân bón vô cơ thay vào đó là phân bón hữu cơ, cây giống được gieo trong nhà lưới nhằm đảm bảo chất lượng giống tốt sạch bệnh, áp dụng ghép gốc các loại cây màu như cà chua, cà tím nhằm đem lại hiệu quả phát triển kinh tế cho hộ thành viên.
Trong quá trình hoạt động, HTX Tân Bình không ngừng cải tiến kỹ thuật cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm giá thành chi phí như trong bơm tưới thay dần các thiết bị cũ kỹ, thay vào đó là bơm trục đứng có công suất lớn nhưng giảm được 35% chi phí tiền điện, xây dựng đường giao thông nội đồng bằng bê tông để thuận lợi việc đi lại vận chuyển cho thành viên...
Tuy nhiên, HTX vẫn còn nhiều khó khăn do giá cả nông sản luôn ở mức thấp trong khi vật tư đầu vào tăng cao, việc liên kết còn quá bất cập với người nông dân.
Bên cạnh đó, nội lực của HTX còn thiếu và yếu, nhất là về vốn và nhân lực, chưa ngang tầm với xu thế phát triển hiện nay.
Ngoài ra, các chính sách thuế còn ràng buộc việc hoạt động của HTX, các chính sách hỗ trợ cho HTX còn chậm và chưa xứng tầm, việc vay vốn còn khó khăn để tiếp cận.
Hồng Nhung