HTX Suối Cát đang cùng người dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, HTX thu hút được người dân tham gia sản xuất lúa với diện tích 100 ha, trong đó có cánh đồng lớn rộng 38 ha.
HTX chú trọng các khâu từ khâu thủy lợi, làm đất, cung cấp vật tư nông nghiệp, phân bón, dịch vụ thu hoạch cho bà con nông dân, đồng thời liên kết với 2 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho thành viên và người dân.
Chủ động cơ giới hóa
Để nâng cao hiệu quả, HTX chú trọng đầu tư các loại máy móc như máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm, máy sàng khử lẫn giống... Song song đó, HTX thành lập tổ điều khiển máy nhằm giải quyết bài toán thiếu “sức kéo” khi vào vụ sản xuất.
Theo Ban giám đốc HTX, trước đây, HTX luôn trong tình trạng thiếu người điều khiển máy móc, nhất là khi vào chính vụ. Điều đó buộc HTX phải hợp đồng với các chủ máy bên ngoài nên gây ra tình trạng không chủ động sản xuất.
Trước những bức bách của việc huy động “sức kéo” mỗi khi triển khai mùa vụ, ngoài chủ động đầu tư máy móc, HTX vận động một số nông dân có phương tiện gia nhập tổ điều kiển máy nhằm giải quyết tình trạng này. Hiện, HTX có 2 máy cày đại, 4 máy cày tiểu, 1 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cuốn rơm và 1 máy sàng khử lẫn giống, 1 máy cắt cỏ.
Lúc mới thành lập, phần lớn người lao động làm việc trong tổ điều khiển máy chưa có kiến thức về an toàn lao động (ATLĐ). Mọi người làm việc chủ yếu là từ kinh nghiệm truyền đạt từ người này sang người khác nên đã từng xảy ra những tai nạn như bị tay quay văng vào mặt, bị thóc bắn vào mắt, bị dây cua roa nghiến đứt tay...
![]() |
Tập huấn về sửa chữa và điều khiển máy móc giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng của người lao động trong quá trình làm việc (Ảnh:TL) |
Theo ông Nguyễn Anh, Giám đốc HTX, pháp luật chưa quy định người điều khiển các loại máy nông nghiệp phải có bằng nhưng nếu người dân tự mua máy, tự học điều khiển máy nhưng không có hiểu biết nhất định về nguyên lý sử dụng, đảm bảo an toàn khi sử dụng sẽ dễ dẫn đến mất ATLĐ, có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
“Những người lái các loại máy nông nghiệp thường là lao động chính trong gia đình. Nếu không may bị tai nạn hoặc đột ngột mất, gia đình sẽ rất khốn khó”, Giám đốc Nguyễn Anh nói.
Nhằm bảo đảm ATLĐ cũng như hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc với máy móc, HTX đã kết hợp với ngành nông nghiệp tạo điều kiện cho thành viên tham gia các buổi tập huấn về sử dụng máy móc an toàn và có thể nắm được những kiến thức cơ bản trong việc sửa chữa máy móc.
Tình trạng sức khỏe và khả năng làm việc của người sử dụng các loại máy có ảnh hưởng lớn đến kết quả lao động và ATLĐ. Nếu sức khỏe và khả năng làm việc tốt thì mức độ xử lý các tình huống sẽ nhanh, chính xác. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu của HTX là các thành viên tổ điều khiển máy phải có sức khỏe cũng như có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình, không để tình trạng uống rượu bia trước khi làm việc.
Đặc biệt, người lao động tuyệt đối không được dùng dép khi lái máy vì dép không bó sát chân, khi sử dụng bàn đạp điều khiển dễ bị sai sót, dẫn đến tai nạn không đáng có.
Nâng cao hiệu quả
Chú trọng ATLĐ đã giúp HTX thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa. Hiện, 100% các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất làm việc, đẩy nhanh tiến độ các khâu đồng thời giảm tổn thất trong sản xuất và thu hoạch.
![]() |
Cơ giới hóa đi đôi với an toàn lao động giúp nâng cao hiệu quả sản xuất |
Đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, các ngành công nghiệp dịch vụ phát triển, việc phát triển tổ điều khiển máy của HTX đã giải quyết được tình trạng lao động nông thôn khan hiếm cũng như tình trạng thiếu hoặc thừa máy nông nghiệp do nhiều hộ nông dân đầu tư tràn lan.
Hiện, tổ điều khiển máy của HTX đã thu hút được 8 thành viên tham gia. Khi vào mùa vụ, HTX sắp xếp thời gian để bảo đảm hoạt động cho các thành viên, sau đó mở rộng hoạt động sang các xã khác.
Hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tương trợ nông dân là chính nên giá thành khi làm các dịch vụ cơ giới hóa sẽ được tính toán sao cho phù hợp với hiệu qủa sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, với mong muốn phát triển bền vững, HTX rất mong được địa phương hỗ trợ kinh phí để có thể cử lao động, thành viên trong tổ điều khiển máy đi học các khóa học bài bản về những khâu trong cơ giới hóa nông nghiệp như: làm đất, gieo trồng, thu hoạch... sau đó về chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Hoặc có thể thuê cán bộ chuyên môn về cơ khí về tận nơi hỗ trợ thành viên những kiến thức cơ bản về chăm sóc, bảo dưỡng, sử dụng máy. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả cơ giới hóa trong nông nghiệp, bảo đảm ATLĐ về lâu dài.
Như Yến