Ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, hơn 20 năm trước, nhờ mạnh dạn đưa ra chủ trương phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm nhằm khai thác lợi thế sẵn có nên đến nay, Trấn Yên đã trở thành vựa dâu tằm lớn nhất miền Bắc. Đây là minh chứng cho chủ trương đúng và trúng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
Đẩy mạnh liên kết, mở rộng diện tích
Đến nay, Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng dâu với quy mô hơn 800 ha, với trên 1.500 hộ trồng dâu nuôi tằm ở các xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp.
Đời sống người dân nâng cao rõ rệt, nhờ hình thành các vùng sản xuất tập trung. |
Hiện nay, Trấn Yên đã hình thành các tổ nhóm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hộ tư thương thu mua kén, mô hình sản xuất có hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Thu nhập bình quân đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm, gấp từ 2,5- 3 lần so với trồng lúa, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm.
“Trên địa bàn huyện có 3 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ dâu tằm với quy mô hơn 100 ha, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các HTX cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ở tất cả các khâu: Trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế biến và tiêu thụ. Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất dâu tằm ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững”, ông Trần Đông cho hay.
Tại xã Việt Thành, ông Lưu Văn Tiến cho biết: Gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm hơn chục năm, hiện gia đình ông có gần 2 mẫu trồng dâu nguyên liệu, 2 nhà nuôi tằm, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Việc nuôi tằm lấy kén đầu tư không nhiều nhưng thu nhập lại cao gấp 5 lần trồng lúa, ngô nên hầu hết các hộ trong thôn đều phấn khởi, đời sống bà con từ đó cũng khấm khá lên.
Cũng giống như ông Tiến, thấy được hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng dâu, nuôi tằm, bà Nguyễn Thị Hoàn, thôn Trúc Đình, xã Việt Thành đã tham gia vào chuỗi liên kết của HTX dâu tằm tơ Việt Thành.
Bà Hoàn đã mạnh dạn chuyển đổi thêm 6 sào lúa sang trồng dâu, nâng diện tích trồng dâu của gia đình lên 1 mẫu. Đồng thời, góp vốn chung với một số hộ dân thuê thêm 5 sào mở rộng sản xuất.
“Các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn, khử trùng để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt. Bên cạnh đó, được đầu tư cho né gỗ ô vuông, giúp con tằm làm kén không bị kết đôi, kết ba, chất lượng kén đẹp và được giá hơn. Trừ hết chi phí, mỗi 1ha trồng dâu thu về gần 150 triệu đồng/năm" - bà Hoàn chia sẻ.
HTX làm cầu nối cho thành viên làm giàu
Ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc HTX Dâu tằm tơ Việt Thành chia sẻ, HTX sẽ làm cầu nối trong việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi, cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Phát triển HTX là một hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa được huyện Trấn Yên khuyến khích phát triển. |
Phương án sản xuất của HTX là hướng đến mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, đầu ra sản phẩm của thành viên HTX ổn định, chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận cao.
“HTX làm cầu nối trong việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi, cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đồng thời HTX còn liên kết với công ty Dâu tằm tơ Miền Bắc trong việc cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, làm cầu nối giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm với các công ty, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, quảng bá sản phẩm, tiềm năng ra thị trường trong và ngoài nước”, ông Cương cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm hơn chục năm, hiện nhà tôi có 2 mẫu trồng dâu, 2 nhà nuôi tằm lớn, mỗi năm thu hoạch gần 1,5 tấn kén, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng. Việc nuôi tằm lấy kén đầu tư không nhiều nhưng thu nhập lại cao gấp 5 lần trồng lúa, ngô nên hầu hết các hộ trong thôn đều phấn khởi, đời sống bà con từ đó cũng khấm khá lên”.
Cũng như ông Hà, thấy được hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng dâu, nuôi tằm, năm 2018 gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Lê ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành đã tham gia vào chuỗi liên kết của HTX Dâu tằm tơ Việt Thành. Chị Lê đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa và đất soi bãi sang trồng dâu, ngoài ra còn thuê thêm đất của các hộ dân trong xã, đến nay gia đình chị đã nâng diện tích trồng dâu lên hơn 1ha.
Chị Lê chia sẻ: “Các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn, khử trùng để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt. Bên cạnh đó, được đầu tư cho né gỗ ô vuông, giúp con tằm làm kén không bị kết đôi, chất lượng kén đẹp và được giá hơn. Trừ hết chi phí, trung bình 1ha trồng dâu thu về khoảng 150 triệu đồng/năm”.
Theo ông Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, dâu tằm được huyện xác định là một trong 5 loại cây trồng tập trung chỉ đạo phát triển trong thời gian tới, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
"Để nông dân yên tâm sản xuất, UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát công tác quy hoạch vùng sản xuất, đề xuất cơ chế hỗ trợ để mở rộng vùng nguyên liệu; giám sát việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ kén tằm giữa các hộ nông dân với HTX", ông Đông nói.
Kim Yến