Trước kia, đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương chủ yếu trồng lúa, bắp, khoai, sắn; nuôi heo, gà và vào rừng hái măng, nhặt hạt dẻ…, do đó đời sống gặp nhiều khó khăn, tình trạng đói giáp hạt xảy ra thường xuyên.
Cải thiện cuộc sống
Tuy nhiên, nhờ đa dạng cây trồng, đặc biệt là sản xuất cây dược liệu, rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bà con dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no.
Được sự hỗ trợ từ một tổ chức nước ngoài, 10 hộ dân xã Đạ Nhim đã liên kết trồng nấm theo mô hình tổ hợp tác (THT) nấm Đạ Nhim và mang lại hiệu quả cao. Điều thuận lợi là kỹ thuật nuôi nấm đơn giản, ít tốn công lao động, đầu ra ổn định.
THT cũng đã đăng ký liên kết với một doanh nghiệp, triển khai nhân rộng thêm nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường.
Theo tính toán của THT, qua thời gian thu hoạch 4 tháng, tổng lãi hàng tháng của người dân là 10 triệu đồng/tháng. Hiện, mỗi thành viên trong THT đang có quy mô trung bình 50-60m2 nấm/hộ.
Hay như tại xã Đạ Sar đã thành lập được mô hình tổ hợp tác, HTX hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã thực hiện xen canh cà phê và dược liệu Atiso, đậu, bắp và rau xanh các loại…
Người dân Lạc Dương có thu nhập ổn định nhờ phát triển kinh tế hàng hóa. |
Mô hình nổi bật của xã là HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đà Lạt Green đang hỗ trợ người dân trồng rau sạch theo hướng công nghệ cao. Còn HTX sản xuất cà phê Arabica Lạc Dương đang hỗ trợ người dân sản xuất cây cà phê theo chuỗi giá trị, chú trọng chế biến sâu.
Nếu như trước đây, nông dân trong xã chỉ trồng cây cà phê theo lối nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh, không ổn định. Giờ bà con chuyển sang trồng lagim, cây dược liệu, rau, hoa các loại theo chuỗi giá trị nên đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều.
Gia đình Chị Dơng Gur Ha Uyên (xã Đạ Sar) từng là hộ nghèo nhưng nhờ được hưởng các chính sách ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, gia đình đã được hỗ trợ vay vốn phát triển trồng hoa. Chính vì vậy, gia đình chị đã là một trong những hộ thoát nghèo thành công của xã.
Theo thống kê, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã Đạ Sar theo tiêu chí mới chỉ còn 2%. Đạ Sar cũng là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo của huyện Lạc Dương.
Tiếp tục giảm nghèo 2-2,5%/năm
Đến nay, trên địa bàn các xã của huyện Lạc Dương đã có 11 HTX và 35 THT. Các HTX, THT đã tạo được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Đặc biệt, THT, HTX chính là nơi để chuyển tải các chính sách cơ chế của Nhà nước đến người dân như: Chương trình 30a, 135; chương trình xây dựng nông thôn mới; các chính sách tín dụng ưu đãi…
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2022 của huyện đã giảm từ 8,6% xuống còn 5,8% nhờ chú trọng phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm tới 2,8%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 2%.
Một điều thấy rõ nhất là đến nay, nhận thức của đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang ngày càng thay đổi rõ nét. Đa số người dân không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà thay vào đó đã biết chủ động vươn lên, tự lực sản xuất để phát triển kinh tế.
Đến nay, đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị Kơ Să K’Mhô (35 tuổi) ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát sau khi đầu tư 2 sào rau nhà kính thay cho cà phê đã giúp kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định. Chị cũng là gia đình thoát nghèo tiêu biểu của xã nhờ biết ứng dụng kỹ thuật vào làm kinh tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, tỷ lệ HTX trên địa bàn còn ít, trong đó chủ yếu là các THT nên khả năng nhân rộng mô hình kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn do vốn đầu tư ban đầu cao, đặc biệt là các mô hình sử dụng nhà kính, nhà lưới.
Đi liền với đó là vẫn còn những thời điểm, đầu ra cho sản phẩm ở các xã vùng sâu, vùng xa như Đưng K’Nớ, Đạ Chais còn nhiều khó khăn do các mô hình có quy mô nhỏ, diện tích ít.
Theo chính quyền địa phương, hiện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn đồng nghĩa với chương trình giảm nghèo sẽ vẫn tiếp tục được Lạc Dương thực hiện. Năm 2023, huyện Lạc Dương đề ra mục tiêu giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo giảm chung từ 2 - 2,5%.
Để đạt được các chỉ tiêu này, địa phương sẽ đẩy mạnh việc liên kết các chương trình, dự án cho khu vực miền núi, nông thôn để nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ cho người nghèo tham gia các THT, HTX từ đó giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Minh Nhương