Tháng 8/2016, HTX Ngọc Sơn (xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) đã khởi nghiệp bằng lĩnh vực nông nghiệp dịch vụ và chế biến, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây dược liệu. Tại thời điểm khởi nghiệp, HTX có 7 thành viên, với số vốn 1,1 tỷ đồng.
Tiềm năng thuận lợi
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của huyện Bắc Mê và của tỉnh, việc thành lập mô hình HTX kiểu mới là xu hướng tất yếu và là nền tảng quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh và thu nhập cho người dân. Nắm được chủ trương này, Ban quản trị HTX tập trung khảo sát, nghiên cứu thị trường để tìm hướng phát triển phù hợp cho các thành viên.
Trên thị trường hiện nay, nghệ là một trong những sản phẩm đang có nhu cầu rất cao đối với người tiêu dùng. Việc trồng nghệ và kinh doanh các sản phẩm chế biến từ cây nghệ đang phát triển rất mạnh đã khiến HTX quyết định chọn mô hình sản xuất kinh doanh chính là trồng nghệ và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nghệ.
Trước khi bắt tay vào quá trình sản xuất kinh doanh, HTX khảo sát địa bàn tỉnh Hà Giang và nhận thấy việc trồng nghệ của người dân vẫn còn nhỏ lẻ, đầu ra của sản phẩm vẫn phụ thuộc vào thương lái từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên lên thu mua theo mùa vụ nên thường bị ép giá. Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn còn rất lớn và có khả năng phù hợp để trồng cây nghệ.
Các thành viên Ban quản trị HTX đánh giá nghệ còn là một cây trồng quá quen thuộc với các hộ nông dân, quy trình và kỹ thuật không đòi hỏi quá cao đến trình độ của người trồng.
Đặc biệt, cây nghệ phát triển không ảnh hưởng đến diện tích, năng suất cây trồng nông nghiệp truyền thống, vì khi trồng nghệ người dân vẫn có thể trồng xen canh các loại cây hoa màu khác như ngô, lạc và các loại hoa màu.
Việc trồng nghệ mang lại hiệu quả cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa và các loại hoa màu khác. Từ những tiềm năng to lớn này, HTX đã quyết định triển khai theo hướng liên kết cùng nhân dân trong các xã để sản xuất các sản phẩm từ nghệ.
Sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng |
Tìm hướng cho sản phẩm
HTX đầu tư giống, phân bón, quy trình trồng nghệ. Khi thu hoạch HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân theo giá thị trường sau khi trừ giống và phân bón đã cấp ban đầu. Như vậy, HTX sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu và chất lượng đầu vào của sản phẩm.
Để chất lượng sản phẩm được bảo đảm, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất và chế biến, như: Máy xay, máy sấy, máy đóng gói, máy lắng tinh bột, xây mới khu chế biến và nhà sấy, sửa chữa nâng cấp kho chứa nguyên liệu và khu vực sân phơi, xây dựng hệ thống nguồn nước bảo đảm an toàn vệ sinh…
HTX còn chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, huy động nguồn lực, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật và đã sản xuất và chế biến thành công sản phẩm tinh bột nghệ chất lượng cao để đưa ra thị trường.
HTX đã được cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cấp Giấy chứng nhận là đơn vị đủ điều kiện sản xuất, có mã số mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng.
Sau hơn một năm hoạt động, HTX đã thu hoạch được khoảng 250 tấn nghệ tươi. Qua công đoạn chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã sản xuất và cung cấp ra thị trường 8 tấn tinh bột nghệ chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng.
Hiện, sản phẩm tinh bột nghệ của HTX được tiêu thụ tại các thị trường Hà Giang, Hà Nội, Lạng Sơn và các tỉnh lân cận. Doanh thu ước đạt khoảng 4 tỷ đồng, lợi nhuận thu về đạt khoảng 500 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Để phát triển ổn định lâu dài, phương án sản xuất chế biến được đặt chỉ tiêu theo từng năm. Thời gian tới, HTX xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích vùng chuyên canh trồng nghệ với năng suất cao, góp phần thúc đẩy nông nghiệp tại địa phương.
Hoàng Lê