Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, cả nước đang có hơn 2.200 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chiếm 12% tổng số HTX nông nghiệp), trở thành điểm tựa vững vàng, tạo thu nhập ổn định cho hàng triệu thành viên, nông dân liên kết và người lao động.
Làm giàu với công nghệ cao
HTX công nghệ cao Nông Thịnh (xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) ra đời với phương châm "xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng”. Những năm qua, nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên.
Trong chuỗi phát triển sản phẩm sạch trong nhà màng như dưa lưới, dưa chuột, cà chua, hoa ly, hoa cúc…, "đứa con tinh thần" đầu tiên của HTX Nông Thịnh là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái.
Ông Trần Hoài Thanh, Giám đốc HTX Nông Thịnh cho hay, tính ưu việt của mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao là không dùng thuốc kích thích hay phân hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, thân thiện môi trường đã qua xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm, tất cả đều theo quy trình tự động.
“Nếu tuân thủ quy trình sản xuất, với diện tích 2.500m2 sẽ cho ra 1.300 trái dưa với sản lượng gần 3 tấn (mỗi trái nặng 1,5 - 2kg), mang lại giá trị kinh tế khoảng 150 - 200 triệu. Trong một năm, thành viên HTX có thể sản xuất 3 vụ dưa lưới với tổng sản lượng trên 20 tấn dưa lưới và 1 vụ dưa chuột, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng”, Giám đốc Trần Hoài Thanh chia sẻ.
Công nghệ cao là chìa khóa để các HTX tăng giá trị sản xuất, làm giàu cho thành viên. |
Nhờ sản xuất ổn định, 100% thành viên HTX đang có mức thu nhập cao. Người lao động HTX có thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, HTX là địa chỉ tin cậy của nông dân địa phương đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình.
Tương tự, sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới cũng là hướng đi mà HTX nông nghiệp bản Cao Đa 1 (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) lựa chọn nhằm nâng cao giá trị canh tác cho thành viên, nông dân liên kết, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Với sự năng động trong sản xuất, đến nay, sau 4 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX Cao Đa 1 đang có gần 20 ha cây măng tây, sản lượng 30kg/ha/ngày, giá bán ra thị trường dao động ở mức 50.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài trồng ở Bắc Yên, HTX còn mở rộng diện tích tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã và Vân Hồ.
Cùng với măng tây, chuối tiêu hồng cũng là cây trồng được HTX Cao Đa 1 lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, vì phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hiện, HTX mở rộng diện tích trồng chuối tiêu hồng lên 7ha với năng suất gần 13 tấn/ha. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu.
Tìm cách hóa giải khó khăn
Đang có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ cao tại các HTX còn gặp không ít khó khăn. Điều này đòi hỏi cần có giải pháp nhanh chóng khắc phục.
Điển hình, theo TS Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), các HTX nông nghiệp nói chung và HTX nông nghiệp công nghệ cao nói riêng vẫn đang rơi vào cảnh khát vốn, thiếu đất, yếu công nghệ, mặc dù chủ trương chính sách về tín dụng, hỗ trợ đất đai, đầu tư công nghệ đã có.
Theo đó, để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hiện rất cần các chính sách từ trung ương đến địa phương tiếp tục sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiếp cận được nguồn vốn để làm nông nghiệp công nghệ cao. Các địa phương cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành, không để chính sách đã có mà chưa thể thực hiện được.
Cùng với đó, các địa phương cũng cần tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển,…
Ngoài ra, để có thị trường tiêu thụ cho các mô hình công nghệ cao, các tỉnh, thành phố cần hỗ trợ, khuyến khích các HTX, tổ hợp tác xây dựng các trang web quảng bá sản phẩm, tiếp cận thông tin phản hồi của người tiêu dùng, liên kết với trang thông tin điện tử của huyện… để tạo thế cạnh tranh. Người sản xuất cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, kết hợp với tổ chức giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Mỹ Chí