Tỉnh Hòa Bình thuộc vùng Trung du miền núi Bắc bộ, có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích của cả nước. Hiện quả có múi đã được xác định là một trong 9 loại nông sản, đặc sản chủ lực của tỉnh. Đây cũng là một trong số những sản phẩm nông nghiệp tạo được thương hiệu của địa phương.
Nâng cao giá trị, liên kết sản xuất
Nhiều năm qua, cây ăn quả có múi là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình.
Một số mô hình cây trồng chủ lực đã phát huy hiệu quả, mở hướng làm giàu cho nhiều nông dân. |
Việc thành lập các HTX trồng cây ăn quả có múi đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ nông dân ở các vùng nông thôn, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân nơi đây.
Hiện nay, diện tích cây có múi tại Hòa Bình đạt khoảng 10.500 ha; trong đó riêng diện tích cam, bưởi trồng tập trung đạt 9.053 ha, với 7.429 ha giai đoạn kinh doanh, sản lượng đạt 166,7 nghìn tấn.
Nhiều sản phẩm quả có múi của tỉnh đã được cấp chứng nhận Sở hữu Trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, 6 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quả có múi của các địa phương: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi. Đã có 16 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến được chứng nhận Sản phẩm OCOP 3, 4 sao.
Theo ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, đến nay, Hòa Bình đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, có điều kiện thâm canh cao, nổi tiếng, như vùng sản xuất cam Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ tại Tân Lạc, vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn... Giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm, thuộc diện cao nhất trong cả nước.
Để tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực từ cây ăn quả có múi hiệu quả, bền vững, Hòa Bình đang triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.
Đây là mô hình có sự tham gia liên kết chặt chẽ giữa hộ thành viên là nông dân với HTX, Liên hiệp HTX, doanh nghiệp, siêu thị... theo một chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và được đảm bảo bằng các hợp đồng liên kết.
“HTX với vai trò hạt nhân trung tâm, ký kết hợp đồng với hộ nông dân thành viên, cam kết mua lại sản phẩm với giá khuyến khích, sau đó kiểm soát từ khâu sử dụng giống, quy trình chăm sóc cho tới khâu thu hoạch, tiêu thụ theo tiêu chuẩn, yêu cầu của HTX. Đồng thời tìm kiếm, ký kết các hợp đồng tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho thành viên”, ông Nguyễn Huy Nhuận nói.
Thay đổi tư duy sản xuất để làm giàu
Ông Từ Quang Hà - Giám đốc HTX Hà Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong chia sẻ, HTX được thành lập với mục đích hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thêm lợi ích, giúp giảm nghèo cho các hộ thành viên.
Các HTX phát triển theo hướng nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp thành viên vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống |
Ðến nay, các thành viên trong HTX đang sản xuất gần 300 ha cây ăn quả có múi. Ðể bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX cũng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhiều gia đình khác ở trong và ngoài địa phương.
Năm 2021, HTX đã tiêu thụ được hơn 10.000 tấn cam, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Do sản xuất tập trung, chăm sóc tốt, cơ cấu giống phong phú, trồng rải vụ, nên ở một số nơi, cây ăn quả có múi đã mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha/vụ, giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bà Trịnh Thị Thủy, thành viên HTX Hà Phong chia sẻ, trên đất Cao Phong hiện nay có rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu nhờ trồng cam đặc sản Cao Phong.
Bà Thủy cho hay, thời gian đầu cuộc sống đói nghèo, bà phải làm nhiều công việc khác nhau. Năm 2011, bà Thủy bắt tay vào trồng với mong muốn có cuộc sống no đủ hơn. Với 2 hecta cam, gia đình bà đã không ngừng mở rộng diện tích trồng cam qua các năm và tính đến thời điểm hiện tại, bà Thủy là người phụ nữ làm kinh tế duy nhất trong vùng không phải vay vốn ngân hàng.
Năm 2015, gia đình bà bước đầu có cam thu hoạch. Từ đó đến nay, doanh thu đều đặn mỗi năm dao động từ 1 - 3 tỷ đồng. Đặc biệt vào năm 2019, do cam được giá nên gia đình bà thu được số tiền “trong mơ” 5 tỷ đồng. Vụ cam hiện nay, bà chia sẻ cam Cao Phong lòng vàng đang được bán ra thị trường, nếu giá ổn định có thể đem lại thu nhập 7 tỷ đồng/năm.
Hiện tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được trên 10.000 ha diện tích đất trồng cây ăn quả có múi, tập trung ở các huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn… và đã xuất hiện một số HTX phát triển theo hướng nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP như: 3Tfarm với cam Cao Phong, Gfarm với cam trứng…
“Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình khuyến khích, hỗ trợ nhiều người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm sạch, an toàn - tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định nâng cao thu nhập người dân”, ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay.
Kim Yến