Để phát triển cây ăn quả có múi theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Hòa Bình đã và đang đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện... từ đó hỗ trợ người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế từ các cây trồng chủ lực.
Hiệu quả từ cây có múi
Với các chính sách hỗ trợ, đồng hành phát huy hiệu quả, những năm gần đây, diện tích trồng cây chủ lực có múi toàn tỉnh có xu hướng gia tăng nhanh, hiện có khoảng 8,08 nghìn ha, trong đó có 3,61 nghìn ha trong thời kỳ kinh doanh, năng suất 24 tấn/ha, thu nhập đạt 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.
Trong đó, diện tích cây có múi được chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP là hơn 3 nghìn ha. Quy hoạch đến năm 2025, vùng sản xuất cây có múi quy mô 10,774 nghìn ha, định hướng đến năm 2030 là 15 nghìn ha, trong đó 6 nghìn ha được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, GlobalGAP.
Trong thành công chung, các HTX đã có những đóng góp rất tích cực. Điển hình, với mục tiêu cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tháng 10/2018, HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh với 16 thành viên đã được thành lập, là một trong những HTX tiên phong của tỉnh áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên 25 ha cam.
Hiện nay, toàn bộ sản phẩm cam đường canh của HTX được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trung bình, mỗi ha cam có năng suất 19 tấn/ha, doanh thu bình quân 550 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 440 triệu đồng.
Một ví dụ khác là HTX 3T Farm, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, sau hơn 2 năm hoạt động, từ 7 thành viên với 12,5ha canh tác, đến nay HTX đã có 22 thành viên tham gia với diện tích đất canh tác tăng lên 29,5ha.
Cây ăn quả đang trở thành mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương. |
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc cho biết, các thành viên của HTX đã thực hiện tốt quy trình sản xuất chăm sóc và đã được cấp chứng nhận VietGAP; 2/3 diện tích trồng cam của các thành viên đang thực hiện tốt việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón.
"Trong năm 2020, tổng sản lượng cam của HTX đạt 300 tấn, đem lại lợi nhuận 6 tỷ đồng. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng dự kiến lợi nhuận tiếp tục tăng cao", chị Thủy nói.
Hình thành vùng sản xuất lớn
Tương tự, dựa trên những thế mạnh về tự nhiên, nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đang phát triển mô hình trồng cây ăn quả theo hướng an toàn sinh thái, mang lại giá trị cao về kinh tế, môi trường.
Gia đình anh Nguyễn Quang Hòa, thành viên Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Tự Nhiên, đang là một điểm sáng làm giàu nhờ trồng cây ăn quả trên địa bàn. Anh Hòa cho biết, gia đình anh thực hiện mô hình từ năm 2015, đến nay hơn 1 ha vườn đã cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
“Bên cạnh giá trị kinh tế, thay đổi lớn nhất trong quá trình phát triển mô hình trồng cây ăn quả ở Tự Nhiên là ý thức về an toàn sinh thái của các hộ sản xuất. Nếu trước đây, tình trạng lạm dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra, thì nay đã hoàn toàn không còn”, anh Hòa nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo thôn Tự Nhiên, toàn địa bàn hiện có trên 60 ha trồng cây ăn quả, trong đó có 30 ha diện tích trồng cây na, là cây kinh tế chủ lực. Trên 80% người dân trước đây trồng lúa nay chuyển sang trồng cây ăn quả. Những kết quả từ thực tế khẳng định việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn không chỉ đem lại thu nhập cao và ổn định mà còn là hướng đi hiệu quả của người dân.
Không chỉ diễn ra nhỏ lẻ ở các địa phương, mô hình trồng cây ăn quả đang được nhiều tỉnh, thành chú trọng qua đó hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả quy mô lớn, tập trung như: Cam Hàm Yên (Tuyên Quang), Cao Phong (Hòa Bình), Vinh (Nghệ An), Lục Ngạn (Bắc Giang), bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ), quýt (Bắc Kạn)…
Do sản xuất tập trung, chăm sóc tốt, cơ cấu giống phong phú, trồng rải vụ nên ở một số nơi, cây ăn quả có múi đã mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng/ha/vụ, giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Theo các chuyên gia, để tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực từ cây ăn quả hiệu quả, bền vững, các tỉnh, thành trên cả nước cần tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Phát triển các mô hình có sự tham gia liên kết chặt chẽ giữa hộ thành viên là nông dân với HTX, liên hiệp HTX, doanh nghiệp, siêu thị... theo một chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và được đảm bảo bằng các hợp đồng liên kết.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, mở rộng sản xuất áp dụng quy trình VietGAP, cũng như liên kết theo chuỗi, thực hiện dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho hộ thành viên, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Lệ Chi