Thôn Nà Mò có diện tích tự nhiên 230ha, trong đó diện tích trồng hồng vành khuyên lên đến 58,6ha. Để hỗ trợ người dân sản xuất, góp phần vào quá trình giảm nghèo, HTX sản xuất kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò được thành lập với 7 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 8ha.
Ngoài trồng trọt, HTX còn chế biến và kinh doanh quả hồng vành khuyên, tổ chức thu mua, đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh.
Kiểm soát chất lượng bằng tiêu chuẩn VietGAP
Hồng vành khuyên thuộc nhóm hồng ngâm, được trồng từ lâu đời trên địa bàn xã Tân Mỹ. Do phù hợp với điều kiện khí hậu nên quả hồng to, tròn, căng mịn và có một vành khuyên xung quanh núm, nếu cắt ngang thân quả sẽ thấy hình 8 vạch. Với vị ngọt mát đặc trưng và mẫu mã đẹp, hồng vành khuyên đã trở thành một trong những loại quả đặc sản.
Theo Ban giám đốc HTX, hồng vành khuyên đã có thương hiệu, được thị trường ưa chuộng vì khi thu hoạch có thể bảo quản lâu ngày, dễ vận chuyển. Tuy nhiên, để xây dựng thành công sản phẩm sạch, an toàn đưa ra thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, từ khi thành lập đến nay, HTX đã hướng dẫn thành viên sản xuất theo hướng an toàn VietGAP.
Ông Lăng Văn Vảng, thành viên HTX cho biết, từ khi vào HTX, ông được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về sản xuất hồng theo hướng hàng hóa. Từ đó, ông có thể nắm được các kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm qua từng năm.
“Lúc mới làm, tôi cũng thấy ngại vì phải mất nhiều công sức, thời gian hơn và phải tuân thủ đúng lịch, không tùy tiện như trước. Đơn cử như trước khi thu hoạch, tôi phải ngừng phun mọi thứ phân, thuốc trước cả tháng thì mới được HTX thu mua, bao tiêu đầu ra theo hợp đồng”, ông Vảng nói.
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến giúp nâng cao chất lượng và giá trị quả hồng vành khuyên. |
Từ chỗ ngại áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngại đầu tư, đến nay, tất cả diện tích sản xuất của các thành viên HTX phát triển đồng đều và trở thành mô hình tiêu biểu cho bà con cả huyện tới tham quan, học hỏi.
Quả hồng VietGAP to đều, bóng vỏ, luôn được bán với giá cao hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg so với hồng bình thường, nên nhiều người dân đã đồng ý liên kết với HTX, bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất an toàn.
HTX đang hướng dẫn thành viên tiến hành tạo tán, tỉa cành để cây hồng phát triển thấp, thuận tiện cho việc thu hái. Người dân cũng không phải vất vả, nguy hiểm như thu hái ở những cây hồng cổ thụ có chiều cao 8-10m.
Nếu như trước đây, hồng được bán cả cây cho thương lái đến thu mua thì đến nay, sau khi thu hái vào buổi sáng, hồng được phân loại và đựng trong bao bì, có nhãn mác, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Nâng cao đời sống
Do áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm đúng quy trình, trung bình năng suất hồng của HTX đạt khoảng 5 tấn/ha. Với giá bán dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cho thành viên khoảng 75 - 100 triệu đồng/ha.
Bà Hoàng Thị Do, thành viên HTX cho biết, 3 ha trồng hồng vành khuyên đã cho thu 3 tấn quả, bán được 45 triệu đồng. Nếu hết vụ, gia đình bà sẽ thu được khoảng 10 tấn, cầm chắc 150 triệu đồng.
Bên cạnh bán hồng tươi, HTX còn tận dụng những quả hồng không đạt về mẫu mã để sấy, nhằm đa dạng sản phẩm, mở rộng đầu ra và góp phần giúp thành viên nâng thu nhập thêm khoảng 15 - 20%.
Trồng hồng vành khuyên giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo. |
Tân Mỹ là một xã vùng cao biên giới của huyện Văn Lãng với trên 6.300 nhân khẩu sống tập trung tại 18 thôn bản. Đây là xã có số dân đông nhất, nhì huyện. Tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2015 là 35,3%. Tuy nhiên nhờ tận dụng thế mạnh trong phát triển cây ăn quả, trong đó có hồng vành khuyên, tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2019 chỉ còn 18,5%.
Theo đại diện UBND xã, là xã vùng sâu vùng xa nên địa phương luôn coi trọng việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo.
Để tiếp tục nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ một phần kinh phí và nhân rộng mô hình sản xuất của HTX Nà Mò. Hiện tại, cây hồng vành khuyên HTX đã được cấp chứng nhận nhân giống đầu dòng để tiếp tục phát triển mô hình ngày càng lớn mạnh.
Xã cũng đẩy mạnh các hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm cho hồng vành khuyên, tạo sự liên kết vững chắc giữa “4 nhà” - nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Từ đó, từng bước nâng cao chuỗi giá trị cho đặc sản hồng vành khuyên theo hướng bền vững.
Huyền Trang