Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tà Lài có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, trong tháng 9/2020, Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài hay còn gọi là nhà dài Tà Lài (Ta Lai Long house) đang thực hiện các quy trình để tiến tới thành lập HTX Nông nghiệp du lịch sinh thái cộng đồng với sự liên kết của các cổ đông và Công ty chế biến xuất khẩu cà phê.
Giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập
Cách làm này được kỳ vọng giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trong xã làm du lịch, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tổ hợp tác đã trải qua 8 năm hoạt động, ngoài việc giữ gìn bản sắc mô hình nhà dài truyền thống, cùng với việc kết hợp khai thác các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ, S’tiêng, đã giúp cho các thành viên có mức thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Tổ hợp tác Tà Lài đang hướng tới thành lập HTX Nông nghiệp du lịch sinh thái cộng đồng. |
Thời gian qua, hoạt động hiệu quả của Tổ hợp tác du lịch cộng đồng nhà dài Tà Lài đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ngoài tổ hợp tác này, hoạt động hiệu quả của HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Tà Lài với mô hình sản xuất bưởi da xanh theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cũng có đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
HTX hiện có vùng chuyên canh trên 35 ha bưởi da xanh của các thành viên đã được cấp chứng nhận VietGAP, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ.
Qua 3 năm hoạt động, hiện nay, HTX đã mở rộng kết nạp thêm các thành viên là người dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cán bộ công chức trong xã và pháp nhân có diện tích bưởi.
Tổng số thành viên của HTX hiện đã lên tới con số 88, với 149 ha bưởi, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 300 tấn.
Với tiềm năng, lợi thế về sản phẩm bưởi da xanh của HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Tà Lài, xã Tà Lài đã xây dựng thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển kinh tế tại địa phương.
Đặc biệt, xã đã cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Tà Lài hiện có 1.920 hộ dân, trong đó 516 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 32%, phần lớn là dân tộc Mạ, S’Tiêng, Tày). Những năm gần đây, người dân trong xã đã thể hiện nỗ lực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng xu hướng thị trường.
Nông thôn không ngừng “thay da đổi thịt”
Thực hiện chủ trương thay đổi cơ cấu cây trồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tà Lài, gia đình bà Lê Thị Kim Em ở ấp 3 quyết định chuyển 2 ha đất vườn trồng cà phê và hồ tiêu sang trồng cây bưởi da xanh. Từ khi chuyển sang loại cây trồng mới, thu nhập của gia đình bà Em nâng lên rõ rệt.
Không chỉ gia đình bà Em, đời sống của nhiều hộ dân ở xã Tà Lài cũng đã dần trở nên khấm khá từ khi chuyển sang trồng bưởi da xanh. Từ chỗ chỉ có vài hộ trồng bưởi, đến nay, toàn xã đã có gần 300 ha bưởi da xanh.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp đời sống người dân Tà Lài khấm khá (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, một số nông dân trong xã còn chuyển sang trồng chuối. Hiện tại, toàn xã Tà Lài có khoảng 40ha chuối, đa số là chuối Chà bột và chuối cấy mô. Hiện nay, giá chuối cấy mô đang được thương lái thu mua với giá 9.000 đồng/kg, tăng gần gấp 3 lần so với các năm trước.
Theo tính toán của người dân, với mức giá ổn định từ 9.000 -10.000 đồng/kg, người trồng chuối ở Tà Lài sẽ thu lợi khoảng 250 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều loại cây ăn quả khác.
Là một trong những xã miền núi thuộc vùng sâu, xa nhất của huyện Tân Phú, hơn 10 năm trước, xã Tà Lài gần như một ốc đảo, đời sống người dân rất khó khăn. Từ khi xây dựng nông thôn mới, cuộc sống người dân đã thay đổi ngoạn mục. Cách đây 2 năm, xã Tà Lài đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống cầu, đường, trường trạm... được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Từ đó, giá trị sản xuất được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 2 năm trước đã đạt trên 46 triệu đồng; hộ nghèo cách đây 4 năm trên toàn xã chỉ còn chiếm 1,25%.
Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Tà Lài cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất đã góp phần làm cho Tà Lài không ngừng “thay da đổi thịt”. Cuộc sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện từ những vùng trồng cây ăn trái đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Loan