Anh Phan Văn Tuân (dân tộc Nùng) là một trong những nông dân trẻ khởi nghiệp thành công ở xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì. Ở tuổi 38, hiện anh Tuân đang sở hữu đầu tư trang trại nuôi gà khép kín rộng 3ha, với quy mô 2 vạn con gà giống và gà thương phẩm, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hành trình làm giàu không đơn độc
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Tuân cho biết, trước khi về quê hương lập nghiệp, anh từng là một tiểu thương, bôn ba khắp nơi để mưu sinh. Đi qua những “vương quốc gà” nổi tiếng như Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội... anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi xanh – sạch, cho hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại gà đồi của gia đình anh Phan Văn Tuân |
“Đó cũng là con số tuyệt vời với tôi lúc đó. Ít nhất mình có cơ hội và hiểu rằng mình không đơn độc” - anh Tuân nhớ lại.Về quê lập nghiệp, anh Tuân vận động bà con tham gia HTX, tuy nhiên bước đầu khởi nghiệp không mấy suôn sẻ. Anh làm cơm mời 20 hộ dân tham dự và bàn chuyện thành lập HTX cùng mình, nhưng chỉ duy nhất một hộ tham gia.
Người dân huyện Nghĩa Hảo đa phần là người dân tộc thiểu số nên bà con chưa hiểu như thế nào là HTX, quyền lợi khi tham gia. Do đó, anh Tuân dành nửa năm, đến từng nhà, phân tích và thuyết phục bà con cùng khởi nghiệp, phát triển mô hình chuỗi gà đồi sạch.
Đưa bà con đến “mục sở thị” mô hình chăn nuôi gà của gia đình, anh Tuân cam kết HTX sẽ hướng dẫn bà con nuôi gà, chịu trách nhiệm nhập con giống, thức ăn, bà con chỉ cần yên tâm sản xuất theo đúng kỹ thuật. Với sự kiên trì và nhiệt huyết của người thanh niên trẻ, tháng 9/2016, HTX Trần Phú được thành lập, cũng là HTX đầu tiên của xã Hảo Nghĩa.
Hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng và liên kết với 300 hộ sản xuất. Nhiều hộ sản xuất đang “xếp hàng” tham gia vào sản xuất theo chuỗi giá trị của HTX.Thời điểm sơ khai, 9 thành viên người có đất góp đất, người có của góp của, vốn điều lệ của HTX gần 1 tỷ đồng. Sau gần 4 năm hoạt động hiệu quả, mô hình nuôi gà sạch thả đồi của HTX Trần Phú đã phát triển vượt bậc, xây dựng được 6 khu chăn nuôi riêng biệt, quy mô trung bình khoảng 1,5 vạn con/năm.
Và giấc mơ “từ nông trại đến bàn ăn”
Ngay từ khi thành lập, định hướng phát triển của HTX là sản xuất xanh, tạo thành chu trình khép kín đa cây, đa con, tiến tới sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm tổng hợp.
Bên cạnh nuôi gà, một số thành viên còn trồng cây lâm nghiệp, nuôi lợn đen… HTX tận dụng nguồn chất thải gia súc, gia cầm để nuôi giun quế, ruồi lính đen làm thức ăn cho gà. Phân gà sau khi được xử lý, ủ hoai mục, làm phân hữu cơ bón cây. Quy trình chăn nuôi khép kín, không có thứ gì gọi là “rác” ở HTX.
Nhờ hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, mỗi năm HTX Trần Phú đưa ra thị trường khoảng 30 tấn gà thương phẩm, 60.000 con giống/năm, tiêu thụ rộng rãi ở tỉnh Bắc Kạn và TP. Hà Nội. Cuối năm 2019, nhiều “ông lớn” trong chuỗi siêu thị ở Hà Nội bắt đầu ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm gà đồi sạch. HTX đang hoàn thiện khu giết, mổ, đóng gói sản phẩm để sẵn sàng đưa sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Bắc Kạn đến gần hơn với người tiêu dùng.Với tham vọng sản xuất gà sạch theo chuỗi 3F (Feed – Farm – Food) khép kín từ nông trại đến bàn ăn, HTX chủ động tiếp cận các nguồn lực từ Trung ương, địa phương để hoàn thiện quy trình chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Đến nay, HTX tập trung phát triển 2 dòng sản phẩm: gà giống và gà thương phẩm, tự sản xuất con giống, thức ăn, xây dựng lò giết, mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói và đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn.
Ông Phạm Ngọc Thịnh - Trưởng phòng NN&PTNN huyện Na Rì (bên trái) đến thăm mô hình của HTX |
Ông Phạm Ngọc Thịnh – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Na Rì cho biết, đối với các HTX có định hướng phát triển tốt như HTX Trần Phú, Huyện sẽ tạo điều kiện hỗ trợ HTX phát triển.
"HTX cần đất chúng tôi sẽ hỗ trợ đất; HTX cần mở rộng sản xuất, liên kết với địa phương khác, chúng tôi sẽ hỗ trợ HTX lập các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, huyện đã thành lập gian hàng OCOP để đưa 20 sản phẩm OCOP 3 sao đến người tiêu dùng” ông Thịnh khẳng định.
Hiện nay, mức sản xuất của HTX Trần Phú chưa đủ để cung cấp cho thị trường. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Giám đốc Phan Văn Tuân cho biết, HTX dự kiến sẽ mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng với nhu cầu thị trường.
"Chúng tôi mong muốn các có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ HTX mở rộng vùng sản xuất và tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển HTX, tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số”, ông Tuân nói.
Một số hình ảnh về mô hình gà đồi của HTX Trần Phú:
Khu nuôi gà giống của HTX được trang bị hệ thống cảm biến nhiệt, quạt gió |
HTX chủ động đầu tư lò ấp, sản xuất con giống |
Khu chuồng nuôi gà thương phẩm của HTX |
Gà đồi được nuôi theo hình thức bán chăn thả |
Gà đồi thịt chắc, lông mượt, mào đỏ, mắt sáng quắc |
HTX đang nuôi thí điểm đàn lợn đen bản địa |
Lợn đen bản địa cho giá trị kinh tế cao |
Xuân Mai