Mơ vàng vốn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, quả to, cứng, giòn, mẫu mã đẹp. Với diện tích rừng mơ khoảng 400ha, cây mơ được xem là cây trồng chủ lực của huyện Chợ Mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân
Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, anh Hà Quảng Nam, Phó Giám đốc HTX Đoàn Kết, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn rời bản từ khi còn trẻ, mong tìm cơ hội đổi đời ở nơi phồn hoa đô thị. Song, lặn lội trong Nam ngoài Bắc, cuối cùng hành trình khởi nghiệp lại cuốn anh trở về quê nhà, với sản phẩm thân thuộc của vùng đất đồi Cao Kỳ: quả mơ.
Trái mơ Bắc Kạn to, cứng, giòn, đẹp mã (Ảnh: TL) |
Thời điểm về bản, anh Nam nhận thấy việc tiêu thụ quả mơ trên địa bàn huyện hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, họ sành sỏi, ép giá xuống chỉ còn 2000 – 3000 đồng/kg. Do đó, bà con dân tộc dù có đồi to, đồi nhỏ trồng mơ mà mãi chẳng giàu, giá cả bấp bênh, thiếu ổn định, nhiều hộ gia đình phá rừng mơ làm rẫy.
Anh Hà Quảng Nam, Phó Giám đốc HTX Đoàn Kết giới thiệu sản phẩm tại hội chợ OCOP tại Hà Nội. |
HTX Đoàn Kết được thành lập từ năm 2017 nhưng chưa có nhiều hoạt động nổi bật, kinh tế hộ thành viên vẫn “dậm chân tại chỗ”. UBND tỉnh Bắc Kạn khuyến khích người dân phát triển kinh tế hợp tác, HTX, kêu gọi người trẻ làm kinh tế, xây dựng quê hương. Năm 2019, được sự ủng hộ và động viên của chính quyền địa phương, anh Nam tiếp quản HTX Đoàn Kết và “thay máu” cho đơn vị khi thu hút 17 thành viên, mở rộng sản xuất với 200 hộ liên kết.
Vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân càng được khẳng định khi chính sách mở cửa kinh tế có hiệu quả, thu hút các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài về địa phương. Cụ thể, năm 2018, huyện Chợ Mới đã liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại Khu Công nghiệp Thanh Bình để thu mua quả mơ tại xã Cao Kỳ với thời hạn 5 năm liên tục. HTX Đoàn Kết đóng vai trò là đại lý cấp 1 của công ty, chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm quả mơ của các hộ dân, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu sản phẩm ô mai mơ và mơ muối sang thị trường Nhật Bản.
Việc liên kết tiêu thụ quả mơ trong nhiều năm nay đã giúp cho người dân có thu nhập ổn định, yên tâm đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu cho thị trường khó tính như Nhật Bản. Ông Vũ Văn Dũng, thành viên HTX cho biết: Gia đình ông có khoảng 19ha, sản lượng đạt bình quân 200 – 250 tấn/năm. Trước đây trồng, thu hoạch quả mơ vất vả mà chẳng có lãi. Hai năm nay, nhờ HTX liên kết với doanh nghiệp, thu mua với giá cao hơn gấp 3 – 4 lần, nhà ông đã có của ăn của để, mua được chiếc xe máy mới và đàn lợn giống, ông Dũng phấn khởi nói.
Việc hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ giải quyết “đầu ra” ổn định cho nông sản mà còn góp phần tăng sức sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con dân tộc vùng cao.
"Đứng trên vai người khổng lồ" để phát triển
Ông Bùi Nguyên Quỳnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Mới cho biết: Để việc liên kết với doanh nghiệp hiệu quả và bền vững, HTX cần định hướng người dân sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung; áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý tốt từ khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch. Vì vậy người dân cần phải thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang hướng sản xuất hàng hóa lớn và áp dụng nghiêm ngặt khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc.
Quả Mơ được phơi trong nhà kính, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. |
HTX Đoàn Kết thường xuyên tổ chức các buổi họp trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kỹ thuật tỉa cành, bón phân hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Trước vụ thu hoạch, HTX phối hợp với doanh nghiệp kiểm tra chất lượng quả mơ, đánh giá tồn dư kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật.
Lãnh đạo HTX Đoàn Kết chia sẻ: Hợp tác với doanh nghiệp lớn là cơ hội để HTX “đứng trên vai người khổng lồ” học cách làm, cách tư duy, cách bán hàng… Bên cạnh đó, HTX cũng thường xuyên cử người trẻ đi tập huấn công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình tiên tiến trên cả nước để dần dần có thể “đứng trên đôi chân của chính mình”.
Ngoài thu mua mơ tươi, HTX còn đẩy mạnh việc chế biến các sản phẩm từ quả mơ: mơ sấy, ô mai mơ, rượu mơ… Các sản phẩm từ quả mơ được sản xuất trên dây chuyền khép kín từ khâu thu hoạch, sơ chế, ngâm muối, phơi khô trong nhà kính, chế biến, bảo quản. Sản phẩm được sản xuất theo công nghê mới, đảm bảo 100% an toàn vệ sinh thực phẩm vì thế sau khi chế biến vẫn giữ được nguyên hương vị, màu sắc tự nhiên và các giá trị dinh dưỡng không bị biến đổi. Đây chính là định hướng lâu dài của HTX để chủ động về đầu vào và đầu ra sản phẩm.
Ông Hà Quảng Nam, Phó Giám đốc HTX Đoàn Kết cho biết: HTX mong muốn được hỗ trợ về vốn để mở rộng sản xuất, thu mua nông sản và đưa công nghệ hiện đại vào chế biến, nâng cao chất lượng nông sản. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại, OCOP là cơ hội để HTX đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, thúc đẩy liên kết với các siêu thị lớn và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.
Xuân Mai