Các HTX đang góp phần thúc đẩy thế mạnh nông nghiệp tại các địa phương của huyện Chợ Mới (Ảnh Tư liệu) |
Phát huy thế mạnh của địa phương
Chè Shan tuyết đang là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Yên Cư, với tổng diện tích hơn 100ha. Những năm qua, cây chè được chính quyền địa phương và người dân chú trọng, dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển.
Để dẫn dắt các hộ trồng chè phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xã Yên Cư đã hỗ trợ thành lập 2 tổ hợp tác (THT) tại các thôn Bản Cháo và Thái Lạo.
THT chè Bản Cháo hiện có 12 thành viên, THT chè Thái Lạo có 11 thành viên, đang hoàn thành tốt vai trò, trở thành điểm tựa vững chắc cho các hộ trồng chè tại địa phương.
Đơn cử, thôn Thái Lạo hiện có gần 14ha chè Shan tuyết được trồng theo Dự án định canh định cư. Với vai trò đầu tàu, THT chè Thái Lạo đứng ra hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Để có thành công như hiện nay, ngay từ khâu sản xuất, các thành viên THT được hướng dẫn trồng chè theo quy trình sản xuất sạch, áp dụng nguyên tắc “4 không” và “4 đúng”.
Trong đó, "4 không" là không chất kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa chất độc hại, không thuốc trừ cỏ, không pha trộn tạp chất. Nguyên tắc "4 đúng" được áp dụng khi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gồm đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng cách thức.
Phương thức sản xuất sạch không chỉ giúp chất lượng và giá trị sản phẩm của THT tăng lên, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tình trạng thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, ô nhiễm không khí, qua đó bảo vệ sức khỏe con người.
Nếu như trước đây, người dân chỉ bán được từ 100.000 - 110.000 đồng/kg chè khô, thì khi vào THT, việc chế biến, đóng gói được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên giá bán gấp đôi, đạt 200.000 - 230.000 đồng/kg.
Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm của các THT và HTX ở Chợ Mới nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng (Ảnh TL) |
Sản xuất sạch để phát triển bền vững
Cũng giống như ở xã Yên Cư, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang phát huy hiệu quả tại xã Tân Sơn. Sau nhiều nỗ lực, thu nhập của nhiều hộ dân trên địa bàn ngày càng tăng nhờ mô hình trồng rau hữu cơ với sự đồng hành của HTX.
Theo chị Lý Thị Ba - Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn, bà con trong xã trước đây chủ yếu trồng lúa, lạc và khoai lang. Công sức, tiền của đầu tư nhiều, nhưng hầu như năm nào cũng bị mất mùa, thua lỗ do đất cằn cỗi, không phù hợp với các loại cây này.
Đến nay, nhờ hiệu quả của mô hình rau an toàn, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân của các hộ phát triển mô hình đạt 50 - 70 triệu đồng/năm. Đồng bào Dao nơi đây đã có một cuộc sống ổn định, đời sống thêm no ấm.
Điểm nhấn trong sản xuất của HTX là quy trình sản xuất sạch mang đến lợi ích kép về kinh tế và môi trường sinh thái.
Khi tham gia vào HTX, các thành viên và hộ liên kết được tập huấn, hỗ trợ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc, ưu tiên sử dụng phân bón vi sinh, phân hữu cơ trong canh tác.
Tại xã Như Cố, HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố đang là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hình thành chuỗi giá trị, phát triển sản xuất rau hữu cơ.
Để xây dựng thương hiệu và khẳng định vị thế sản phẩm trên thị trường, HTX dành nhiều sự quan tâm cho công tác nghiên cứu, thiết kế logo, nhãn mác, đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm chủ lực như cà chua, dưa lưới, dưa leo...
“Ngay từ khi thành lập, HTX đã kiên định phát triển theo hướng hữu cơ, "nói không” với hóa chất độc hại”, Giám đốc Lương Đình Hùng nhấn mạnh.
Cụ thể, HTX kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón vi sinh, phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm sản xuất theo hướng sạch và an toàn.
Trong quá trình canh tác, HTX áp dụng kỹ thuật che phủ ni lông dưới gốc cây, tránh cho quả, lá cây rơi xuống đất gây ô nhiễm, ngập úng.
Nhờ sản xuất sạch, chất lượng vượt trội, 100% sản phẩm an toàn của HTX đưa ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Có thể nói, các HTX, THT đã mở ra cơ hội phát triển cho nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế của huyện Chợ Mới. Nếu tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng, khu vực kinh tế hợp tác hứa hẹn sẽ góp phần giúp cho nông sản của huyện Chợ Mới ngày càng vươn xa hơn nữa.
Hưng Nguyên