Chợ Giống cũ của xã Cổ Dũng sau thời gian dài hoạt động đã rơi vào tình trạng xuống cấp, không có bãi gửi xe, thường xuyên gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Thu hút tiểu thương
Để đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của bà con địa phương và một số xã lân cận, được sự nhất trí của UBND xã, năm 2018, HTX Thương mại dịch vụ và xây dựng Cổ Dũng đã thực hiện xây dựng chợ mới theo hình thức xã hội hóa.
Chợ được xây dựng trên tổng diện tích 13.800 m2 với tổng số vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng. Đây là chợ hạng 3, được xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn của một chợ an toàn, đầy đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Để tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển sang chợ mới, HTX hỗ trợ 10 triệu đồng cho hộ kinh doanh có nhu cầu thuê ki-ốt, đồng thời miễn phí dịch vụ vệ sinh cho các hộ đăng ký kinh doanh.
Đối với những hộ kinh doanh không nằm trong khu vực nhà lồng, HTX không thu bất kỳ loại phí nào nếu các hộ kinh doanh có hợp đồng thuê ki-ốt tại chợ cũ.
Nhờ đó, 95% số ki-ốt được các hộ ký kết hợp đồng thuê hoạt động kinh doanh ngay sau 1 năm đi vào hoạt động.
Một lối cổng vào khu chợ mới do HTX Cổ Dũng đầu tư. |
Theo Quyết định của UBND tỉnh về giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ Giống mới tối đa là 50.000 đồng/m2/tháng. Thực tế, HTX đang cho thuê mức giá từ 43.000-45.000 đồng/m2/tháng (tuỳ từng vị trí, loại ki-ốt) nhằm tạo điều kiện về thời gian thuê lâu dài cho các hộ kinh doanh...
Ông Nguyễn Khắc Vinh, Giám đốc HTX cho biết, việc xây dựng rộng rãi lại chú trọng thu dọn rác thải, vệ sinh hàng ngày nên chợ đều bảo đảm sạch sẽ, việc buôn bán của người dân thuận tiện hơn nhiều.
Trước đây, bà con buôn bán theo lối kinh doanh cũ, tình trạng tranh cãi, lớn tiếng với khách, bán hàng không niêm yết giá thường xuyên xảy ra. Ban giám đốc HTX tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tiểu thương thay đổi nhận thức, kinh doanh văn minh, lịch sự hơn.
Thưa khách vì dịch Covid-19
Đi vào hoạt động được 2 năm thì đến năm 2020, HTX gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Ban giám đốc, HTX hoạt động trong dịch vụ quản lý chợ nên không ngoại lệ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh khi 95% bà con tiểu thương buôn bán tại chợ. Hầu hết các hộ đều rơi vào tình trạng bị dừng hoạt động hoặc buôn bán cầm chừng.
Nguyên nhân do lệnh giãn cách xã hội và tâm lý từ người tiêu dùng sợ tập trung đông người khiến hoạt động sản xuất kinh doanh tại chợ hầu như dậm chân tại chỗ. Vào thời điểm Hải Dương rơi vào đỉnh dịch Covid-19, hoạt động mua bán, kinh doanh tại chỗ đều dừng hẳn. Sau khi kiểm soát được dịch, tiểu thương quay trở lại buôn bán nhưng nhìn chung khách hàng đều thưa thớt, tình trạng buôn bán ế ẩm.
Theo ông Nguyễn Quý Chính (thôn Bắc xã Cổ Dũng), ngoài những mặt hàng thiết yếu như rau quả, thịt cá... thì các mặt hàng khác thi thoảng mới có khách hỏi mua. Hiện, vẫn còn khoảng 30% ki ốt tại chợ đóng cửa, chỉ mở luân phiên vì khách hàng không nhiều.
Dịch Covid-19 khiến chợ Giống từng rơi vào cảnh đìu hiu, nhất là khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội. |
Trước thực trạng trên, Ban giám đốc HTX chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ bà con tiểu thương, người lao động vượt qua đại dịch bằng nguồn vốn cá nhân như: không giảm lương hay tăng giờ làm việc và không can thiệp vào việc thay đổi hình thức bán hàng của bà con tiểu thương.
HTX cũng đã kịp thời báo cáo tình hình kinh doanh của các hộ tiểu thương với cơ quan cấp trên, đề xuất miễn giảm thuế mặt bằng, tùy theo mức thiệt hại của từng ngành hàng.
Theo nhận định của UBND huyện Kim Thành, chợ truyền thống vẫn nắm giữ 70% thị phần bán lẻ với sự tham gia của hàng trăm nghìn thương nhân, đóng góp vào an sinh xã hội và gắn liền đời sống hằng ngày của người dân. Việc xã hội hóa chợ truyền thống thông qua mô hình HTX Cổ Dũng có tầm quan trọng và tác động lớn nên cần được quan tâm đúng mức, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Chính vì vậy, huyện Kim Thành đang xác định cùng HTX tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, vận hành chợ, cũng như phối hợp với các ban ngành tổ chức các hoạt động kết nối, nâng cao kỹ năng kinh doanh dành cho tiểu thương.
Bên cạnh đó là tuyên truyền để tiểu thương có thể chuyển đổi sang sử dụng hình thức kinh doanh online đi đôi với liên kết với các đơn vị nhằm có nguồn cung hàng hóa ổn định . Đây được coi là hướng đi giúp giải quyết những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, và cũng là nền tảng để đưa mô hình chợ truyền thống giảm bớt áp lực cạnh tranh trong ngành bán lẻ hiện đại.
Tùng Lâm