Vốn không có nhiều lợi thế để phát triển quả bưởi, nhưng từ lâu nay, người nông dân Chương Mỹ đã đưa giống bưởi Diễn ưa chất đất phù sa về trồng ở nhiều xã ở huyện Chương Mỹ.
Khai thác tiềm năng
Theo người dân tại huyện Chương Mỹ, mô hình trồng bưởi kiêm nuôi cá cho năng suất cao hơn so với trồng lúa truyền thống. Mỗi sào lúa hiện nay cho doanh thu chỉ khoảng 1 triệu đồng, nhưng với việc trồng bưởi cho doanh thu thấp nhất cũng gấp 10 lần. Chưa kể, trồng bưởi không mất nhiều công chăm sóc, cũng không cầu kỳ kỹ thuật.
Tuy nhiên, trước đó, trên địa bàn xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) đã có nhiều hộ dân muốn chặt bỏ vườn bưởi bởi doanh thu không ổn định, do người dân chưa có kinh nghiệm trồng bưởi.
Nhưng thực hiện chủ trương của huyện, năm 2014, xã Hữu Văn đã thành lập HTX bưởi Hữu Văn với 50 hộ tham gia và khoảng 20.000 gốc bưởi.
Sau khi thành lập, HTX đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp ngành chính quyền. Đặc biệt, từ sau năm 2015, HTX Bưởi Hữu Văn đã bắt đầu sử dụng phân bón vi sinh và công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong canh tác bưởi.
Ngoài ra, hằng năm HTX đều kết hợp với các cơ sở bồi dưỡng nông nghiệp triển khai 3, 4 đợt tập huấn cho các thành viên để nâng cao tay nghề, kỹ thuật.
Nhờ được tập huấn, biết rõ đặc tính của cây bưởi, các hộ thành viên đã thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm cây: Tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung. Trong đó, quan trọng nhất là tăng khả năng thụ phấn chéo cho cây bằng phương pháp trồng xen trong vườn một số giống bưởi khác như bưởi Diễn trái chum, bưởi chua, bưởi đỏ Tân Lạc…
Đặc biệt, phun thuốc phòng nhện trước khi cây ra hoa là rất quan trọng, nó quyết định tới mã của quả bưởi có đẹp hay không. Khi cây đậu quả, phun thêm một lần thuốc phòng nhện nữa.
Trồng bưởi diễn theo công nghệ mới cho năng suất cao |
Hiệu quả của công nghệ
Nhờ phương thức canh tác mới đã giúp cây bưởi xanh tốt hơn, lá dày, cây khỏe, ít sâu bệnh hại, chất đất tơi xốp, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm bưởi.
Giám đốc HTX Bưởi Hữu Văn - ông Hoàng Văn Định, cho biết trước đây, khi sử dụng nhiều phân hóa học, mỗi cây bưởi chỉ cho khoảng 120 quả. Với phương thức canh tác hữu cơ, năng suất bưởi hiện đạt 200 quả/cây.
Bên cạnh đó, phương thức canh tác hữu cơ kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi sinh và đặc biệt là mang tới sản phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Nhờ đó, giá bưởi bán ra thị trường cũng cao gấp hơn 2 lần.
Nhờ đó, thu nhập của thành viên HTX hiện đạt trên 70 triệu đồng/ năm, có hộ thu về trên 400 triệu đồng/năm (tùy vào diện tích canh tác), cao gấp 3 - 4 lần phương thức canh tác bưởi truyền thống.
Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, giúp các thành viên của HTX phần nào yên tâm sản xuất.
Hiện nay, HTX đang đẩy mạnh liên kết với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Hà Nội như Fivimart, Topgreen, Cleverfood… để có đầu ra ổn định cho quả bưởi Hữu Văn.
Đồng thời, HTX đang tranh thủ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Tp.Hà Nội thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc và cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây sẽ là điều kiện để sản phẩm của HTX từng bước chiếm lĩnh thị trường, cũng như thúc đẩy được sự phát triển của HTX.
Thành công của HTX Bưởi Hữu Văn đã cho thấy hiệu quả tích cực của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Điều này cho thấy, các HTX đang ngày càng nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Hồng Nhung