Theo các tài liệu khoa học, măng tây là loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng cao, gồm protein, đường, nhiều khoáng chất như kali, magie, canxi, sắt, kẽm và các loại vitamin…
Hơn nữa, măng tây còn rất giàu dược tính, có tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chống lão hóa, làm giàu sữa mẹ, giúp ổn định huyết áp… Măng tây có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng, với các món xào lẫn tôm, thịt bò, thịt gà, hoặc các món súp, nộm…
Đi lên từ thất bại
Tại Phú Xuyên, mô hình măng tây được khởi nguồn từ năm 2012, xuất phát từ chủ trương của huyện về phát triển sản xuất cho người dân vùng bãi bồi sông Hồng. Huyện cũng đã thành lập đoàn công tác vào Nghệ An để học tập mô hình này, đồng thời, tổ chức mua giống tại đây.
Thời điểm đó, toàn xã Hồng Thái thí điểm trồng là 1 ha, nhưng sau gần 2 năm, mô hình không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân là do giống nhập về không đạt yêu cầu, bên cạnh đó là thiếu kinh nghiệm trong sản xuất.
Đến đầu năm 2017, UBND thành phố đã triển khai dự án trồng thử măng tây tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên). Lần này, xã Hồng Thái được thành phố Hà Nội hỗ trợ lựa chọn trồng cây măng tây trắng có nguồn gốc từ Hà Lan trồng. Đồng thời huyện Phú Xuyên cũng phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân xã Hồng Thái.
Với những thất bại trước kia, người dân còn e dè với loại cây mới nên chỉ có 1 - 2 hộ tham gia trên diện tích khoảng 1.000 m2.
Tuy nhiên, đi đôi với thất bại là những kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc măng tây, cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngày càng nhiều hộ dân trong xã nhận thấy giá trị cao của loại rau này.
Khu vực trồng măng tây xanh ngoài trời của HTX |
Doanh thu tỷ đồng
Đến tháng 7/2017, HTX Rau quả Hồng Thái được thành lập với 12 thành viên góp vốn, ngành nghề kinh doanh chính là trồng măng tây, ứng dụng công nghệ của Hà Lan và VietGAP.
Sau khi thành lập, trên cơ sở số lượng hạt giống măng tây Hà Lan được thành phố hỗ trợ, HTX đã tiến hành trồng làm 3 đợt.
Đợt 1 hoàn thành ngày 2/9/2017 với diện tích 1,3 ha, gồm 0,3 ha măng tây trắng trong nhà màng nhà lưới và 1 ha măng tây xanh. Do số lượng hạt măng giống đợt 1 chỉ đủ trồng 1,3 ha nên HTX đã liên hệ với công ty Hà Lan mua bổ sung 15.000 hạt giống để ươm thành cây con từ đầu tháng 1/2018.
Đồng thời, HTX cũng xây dựng thêm 3.600 m2 nhà kính để trồng cây măng tây xanh nhằm đối chứng với cây măng trồng ngoài trời. Tính đến hết ngày 7/4/2018, HTX đã cơ bản hoàn thành trồng 2 ha măng tây theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Ông Lê Đức Trịnh - Giám đốc HTX Rau quả Hồng Thái, cho biết việc trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP cũng có sự khác biệt lớn so với trồng kiểu truyền thống.
Chế độ tưới nước và bón phân cho cây do chính người trồng điều khiển theo đúng tỷ lệ đã được xác định từ trước mà không lo thừa hay thiếu. Cây được tưới nước theo công nghệ tưới nhỏ giọt và bón bằng phân hữu cơ.
Khi trồng măng tây trong nhà kính theo công nghệ cao, cây không bị ảnh hưởng của thiên nhiên như mưa gió, lượng cỏ dại giảm được 70%, hạn chế được nhiều loại bệnh và sâu hại so với việc trồng ở ngoài trời, hiệu quả trồng rất cao.
Kết quả, trong 30.000 hạt giống măng tây được nhập khẩu từ Hà Lan được HTX gieo trồng, tỷ lệ nảy mầm lên tới 90%, cây sinh trưởng phát triển rất tốt.
Với việc chăm sóc được giám sát chặt chẽ theo quy trình, cây măng tây cho năng suất năm đầu tiên đạt 2 kg/sào/ngày, từ năm thứ 4 trở đi có thể thu trên 5 kg/sào/ngày.
Đặc biệt, các sản phẩm măng tây của Hồng Thái đã được các cơ quan chức năng như Sở NN&PTNT, Phòng Kinh tế kiểm tra chặt chẽ chất lượng trước khi chuyển ra thị trường.
Việc chọn được giống cây tốt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cây măng tây có thể cho thu hoạch trong vòng 10 năm đến 15 năm.
Vào thời điểm cho thu hoạch, chỉ tính riêng diện tích măng tây trắng trồng trong nhà kính, bình quân mỗi ngày, HTX thu hoạch 27 - 35 kg. Với giá bán hiện tại là 150.000 đồng/kg, HTX thu về khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/ngày.
Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình trồng măng tây ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập ước đạt 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Ngoài ra, mô hình măng tây đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức lương trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Hồng Nhung