Lúa là cây trồng chủ lực của HTX Phú Cần, nên các thành viên luôn chú trọng sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị thương mại, tạo lợi thế khi đưa ra thị trường.
Nhận thấy nông sản sạch, môi trường trong lành là nhu cầu cần thiết cho mỗi con người, HTX đã chủ động phối hợp, liên kết với doanh nghiệp cung ứng phân bón lúa vi sinh và hướng dẫn nông dân sản xuất lúa dùng phân bón vi sinh để cho ra những hạt gạo sạch và bảo vệ môi trường sống.
Sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường
Hiện nay, diện tích sản xuất lúa của HTX là 156 ha, sản lượng 1.200 tấn. HTX đã lý kết với công ty CP Ngọc Quang Phát (Tp.Cần Thơ) bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn liên kết với công ty CP Rynam Smart Fertilizers (Tp.Trà Vinh) cung ứng phân bón lúa vi sinh và hướng dẫn cho thành viên HTX sử dụng phân bón vi sinh.
Ông Thạch Lập - thành viên HTX, có 2 ha đất sản xuất lúa đều sử dụng phân bón vi sinh. Ông Lập đánh giá ưu điểm của dùng phân bón vi sinh làm cho lúa cứng cây (ít ngả đổ, tiện lợi cho việc thu hoạch, tránh thất thoát), ít xảy ra dịch bệnh gây hại cho lúa, chi phí đầu tư sản xuất giảm so với sản xuất lúa dùng phân bón vô cơ.
Trong quá trình sản xuất, HTX cũng xây dựng thành công mô hình trên hoa dưới lúa nhằm thu hút các sinh vật có hại gây bệnh cho lúa. Bên cạnh lợi ích kinh tế, phương pháp này của HTX còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ nhận thức làm ra giống lúa sạch, chất lượng cao.
Hiện nay, phân hữu cơ của HTX sử dụng chủ yếu là phân bón thông minh do doanh nghiệp cung ứng, nên cả vụ lúa, HTX chỉ cần bón phân 1 lần mà vẫn bảo đảm chất dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.
Thông thường, thành viên phải bón phân 5 lần/vụ, còn phân bón thông minh chỉ cần bón 1 lần/vụ là do phân tan chậm theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa. Thay vì phải sử dụng 50 - 60 kg/công, chuyển qua dùng phân thông minh, cả vụ HTX chỉ phải dùng 37,5 kg/công.
Mô hình sản xuất lúa dùng phân bón vi sinh của HTX |
Cánh đồng thông minh
Việc sử dụng phân bón thông minh giúp thành viên giảm gần 50% chi phí, 70% giống, 30% nước, 50% thuốc bảo vệ thực vật, giảm 50% thất thoát sau thu hoạch, 50% phát thải khí nhà kính và giảm 75% công lao động; trong khi tăng 20% năng suất và 100% doanh thu.
Phú Cần cũng là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng hệ thống cảm ứng mực nước thông minh vào sản xuất lúa. Ứng dụng này giúp các thành viên có thể theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa sao cho hợp lý. Việc bơm nước vào hay rút nước ra sẽ được điều khiển qua điện thoại thông minh, hoàn toàn tiện lợi và chính xác.
Thông qua chiếc điện thoại, doanh nghiệp có thể kiểm tra nhật ký sản xuất của các thành viên khi biết chính xác thời gian, lượng nước được thêm hoặc rút khỏi diện tích lúa.
Hầu hết các thành viên HTX đều rất phấn khởi và cho rằng sản xuất lúa thông minh không khó thực hiện lại tiết kiệm được chi phí đầu vào nhưng chất lượng lúa nhỉnh hơn hẳn.
Hiệu quả sản xuất lúa thông minh trên 14 ha đã thấy rõ. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa thông minh để đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao của doanh nghiệp
Với tình hình kinh tế hội nhập hiện nay, cộng với diễn biến khí hậu bất thường, người dân gặp không ít khó khăn trong việc làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Việc HTX Phú Cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây lúa đã nói lên rằng làm nông thuần túy sẽ rất khó cạnh tranh và không bền vững.
Đây cũng là giải pháp giúp HTX tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, có thể ứng dụng trong tất cả các khâu, từ vật tư, canh tác, chế biến, phân phối, tiêu thụ và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Như Yến