Trước đây, rươi vẫn là món ăn chơi và ít người biết đến. Về sau, rươi đắt giá vì nhiều người thích. Nhận thấy có thể kinh doanh thịt rươi tươi, các thành viên HTX An Thanh đã nghiên cứu cách nuôi rươi trong ruộng theo mô hình sạch để nâng cao thu nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chú trọng môi trường sạch
Điểm khác biệt của loại đặc sản này là... không cần cho ăn, vì rươi chỉ sinh sống tự nhiên ở môi trường sạch, không bị ô nhiễm.
Theo các thành viên HTX, bình thường ấu trùng rươi xuất hiện ở cửa biển, theo dòng nước di chuyển vào khu vực ruộng, nếu gặp môi trường thuận lợi, rươi sẽ dừng lại sinh sống. Vì vậy, thay vì để ruộng sản xuất lúa 2 vụ nhưng không mang lại hiệu quả cao, các thành viên HTX đặc biệt quan tâm đến cải tạo ruộng thành các đầm nhằm tạo môi trường để rươi sinh sống.
Do đặc tính của rươi nên HTX phải quan tâm làm sao để đất có độ pH luôn ở mức trung tính. Các cống thoát nước cũng phải dọn sạch sẽ và có thêm hệ thống lưới để hạn chế thất thoát và thuận lợi cho thu hoạch.
Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh, cho biết nuôi rươi rất khó, chúng chủ yếu phát triển tự nhiên nên người nuôi chỉ có thể cải tạo môi trường sống sạch để rươi sinh trưởng tốt.
Rươi được nuôi theo quy trình sạch nên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Các thành viên cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức trong suốt quá trình nuôi. Nhất là vào các kỳ con nước, từng hộ đều phải lấy nước vào đầm và thải nước ra để lấy nguồn thức ăn cho rươi.
Cách nuôi rươi đảm bảo hiệu quả cao là không được dùng bất kỳ loại hóa chất nào. HTX cũng không được lấy nước vào đầm ở các thời điểm nguồn nước bị ô nhiễm và những thời kỳ ruộng đồng trong khu vực phun thuốc trừ sâu.
Sau khi nuôi được 6 tháng, rươi đã trưởng thành và có thể thu hoạch. Trung bình 1 sào, HTX thu hoạch được 30 - 40kg và giá bán trung bình là 300.000 đồng/kg.
Ngoài thu hoạch 1 vụ rươi chính (vụ mùa), HTX sẽ thu thêm được 1 vụ rươi trái vụ, 1 vụ lúa chiêm, 1 vụ cáy vào tháng 6, tháng 7. Như vậy 1 sào ruộng rươi sẽ cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng/năm. Có thành viên thu được tiền tỷ nhờ liên tục mở rộng diện tích.
Tăng giá trị nhờ OCOP
Do là con "lộc nước, lộc trời" nên sản lượng thu hoạch rươi chủ yếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, khí hậu, môi trường… Bên cạnh đó, vào vụ thu hoạch chính, sản lượng rươi lớn hơn trong khi hai năm gần đây, dịch Covid-19 đã làm hạn chế công tác vận chuyển, tiêu thụ.
Để giải quyết vấn đề này, HTX đã thực hiện trữ đông rươi để bán rải quanh năm. Từ khi bắt tay vào thu hoạch vụ rươi năm 2021 đến nay, chỉ tính riêng lượng rươi cấp đông của HTX đạt khoảng 20 tấn. Rươi được tuyển chọn từ những đàn rươi khỏe mạnh và tuân thủ đầy đủ các bước sơ chế trước khi đưa vào cấp đông.
Việc cấp đông rươi giúp HTX thuận tiện trong công tác tiêu thụ, lại nâng cao giá trị sản phẩm. Nếu rươi tươi bán tại chỗ có giá trung bình 300.000 đồng/kg thì rươi cấp đông có giá khoảng 400.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, muốn tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX phải quan tâm nhiều hơn đến bao bì sản phẩm, nhãn mác, việc vận chuyển…
“Việc sử dụng bao bì làm sao để vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa không làm nhãn mác tuột ra trong quá trình bảo quản và vận chuyển đều được HTX nghiên cứu kỹ", Giám đốc Phạm Xuân Luận chia sẻ. Bên cạnh đó, HTX còn phải đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, xe chuyên dụng để phục vụ cấp đông và giao hàng một cách chuyên nghiệp.
Đóng hộp và cấp đông rươi giúp thuận tiện trong quá trinh bảo quản và tiêu thụ, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. |
Nhờ chú trọng sản xuất sạch theo hướng hàng hóa, có sự đầu tư về nhãn mác, bao bì và chú trọng xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức khác nhau, nên sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh đã được khách hàng đánh giá cao. Đến nay, rươi cấp đông của HTX đã là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh và đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho một số cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh...
So với trước khi tham gia OCOP, nhận thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Người dân tự ý thức được rằng muốn sản phẩm có giá trị thì phải đảm bảo chất lượng, có đầy đủ nhãn mác và bao bì đẹp và biết quảng bá, giới thiệu sản phẩm rươi do mình làm ra với khách hàng. Nhờ đó, mô hình sản xuất của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh đã góp phần phát triển sản phẩm vốn chỉ được coi là “lộc trời” với thu nhập thấp thì nay đã thành sản phẩm đặc trưng của địa phương với giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, việc mở rộng, khai thác diện tích nuôi rươi hiệu quả của HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh còn góp phần phát triển vùng du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, từ đó bảo tồn nguồn lợi từ thiên nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.
Như Yến