Điện Biên là tỉnh miền núi có 129 xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh vẫn còn 114 xã cần phải hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Với đặc thù của tỉnh vùng sâu, vùng xa, Điện Biên xây dựng nông thôn mới trong điều kiện nhiều khó khăn, nhưng nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân.
Thúc đẩy nông nghiệp hiện đại
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã tạo được chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp.
Các vùng nông thôn của tỉnh được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Trong nhiều chỉ tiêu phát triển, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những bước nền tảng, được tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, toàn diện.
Đến nay, Điện Biên đã hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Điển hình như các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn VietGAP tại huyện Điện Biên; chè Shan tuyết Tủa Chùa, Mường Ảng với hơn 3.000 ha cà phê arabica, gần 3.400 ha cây mắc ca được trồng phân bổ tại Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé và Nậm Pồ…
Nâng cao hiệu quả sản xuất là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên. |
Đáng chú ý, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp để thúc đẩy nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có dấu ấn khá đậm nét của các HTX, tổ hợp tác. Điển hình như HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) có vai trò quan trọng trong quá trình đánh thức các thế mạnh, xây dựng sản phẩm OCOP tại địa phương.
Tiếp sức cho nông thôn mới
Ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cho biết, 2 sản phẩm gạo của HTX là Tâm Sáng - Séng cù và Tâm Sáng - Tám thơm đã thâm nhập được vào một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường khó tính, như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên… với sản lượng khoảng 600 tấn/vụ.
“Đây là tín hiệu vui với HTX, bởi từ nay, HTX sẽ chuyên tâm sản xuất chứ không phải lo tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm như trước nữa”, ông Quản Bá Tới nói.
Được biết, HTX hiện thu hút hơn 230 hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao của HTX cũng tăng từ 31 ha lên hơn 150 ha. Sản xuất trên diện tích hàng trăm ha, nhưng cánh đồng lúa của HTX rất sạch, không hề có rác hay các chất thải bất lợi cho cây trồng. Mỗi thành viên giờ đã là một chuyên gia nông nghiệp, am hiểu tường tận về giống lúa, quá trình chăm sóc cây trồng.
Để có được thành công hiện tại, ngay từ khi thành lập vào năm 2016, HTX Thanh Yên đã đặt mục tiêu liên kết, phát triển sản xuất lớn để nâng cao chất lượng, thương hiệu, gia tăng giá trị cho hạt gạo đặc sản của quê hương.
Thời gian tới, cùng với việc mở rộng phát triển về quy mô, sản lượng, gia tăng chất lượng thì việc xây dựng và nâng tầm thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm OCOP của huyện Điện Biên nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung có chỗ đứng vững chắc và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Điển hình như nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng chống phá; di cư tự do gây mất an ninh chính trị. Một số địa phương còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Điển hình như ở Tả Sìn Thàng, một xã vùng cao, đặc biệt khó khăn thuộc huyện Tủa Chùa. Với xuất phát điểm kinh tế thấp, mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã mới chỉ đạt 8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo gần 49%. Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay xã mới đạt 7/19 tiêu chí.
Trước nhiều khó khăn hiện hữu, tỉnh vẫn đặt mục tiêu khá cao khi phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu), 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên xác định tập trung ưu tiên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: Các địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thật cụ thể, chi tiết, nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản địa bàn vùng gian khó để từng bước hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Lệ Chi