Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Toàn tỉnh có 29/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 48,3%), bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Những hạt nhân dẫn đường
Bộ mặt nông thôn trên địa bàn Đắk Nông cũng ngày càng khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, đầu tư khá đồng bộ theo quy hoạch, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Kinh tế nông thôn từng bước phát triển với quy mô, trình độ, hiệu quả ngày càng cao…
Gia Nghĩa là một trong những điểm sáng nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông. Tính đến tháng 6/2022, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 52 triệu đồng/năm, tăng 2,6 lần so với năm 2011. Môi trường nông thôn được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, cuộc sống người dân không ngừng được nâng cao về vật chất, tinh thần.
Nhờ những bước tiến mạnh về kinh tế, xã hội, vừa qua thành phố Gia Nghĩa trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Đắk Nông hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để có được thành công này, cả chính quyền và người dân trên địa bàn thành phố đã trải qua hơn 10 năm không ngừng nỗ lực, trong đó có tập trung nguồn lực nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, theo ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa, thời gian qua, địa phương đã xây dựng được khá nhiều chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Đắk Nông những năm qua có sự đóng góp tích cực từ liên kết trong sản xuất nông nghiệp. |
Nổi bật nhất là chuỗi liên kết giữa HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông và Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, chuỗi giá trị sản xuất rau an toàn liên kết giữa HTX Đắk Tân và Chợ đầu mối Bình Điền, chuỗi giá trị sầu riêng giữa trang trại Gia Trung và Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân…
“Nông nghiệp chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận, chuỗi giá trị là hướng đi mà thành phố đang tập trung triển khai, hướng tới. Bước đầu, hoạt động này đạt kết quả tích cực khi vừa bảo đảm thu nhập, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống cho cư dân, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Tịnh nói.
Liên kết sản xuất là nền tảng
Cùng với Gia Nghĩa, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đắk Song cũng đang có những chuyển biến đầy tích cực nhờ chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành liên kết để nâng cao nội lực sản xuất, sức cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình, lựa chọn sản xuất tiêu hữu cơ, HTX Thương mại – Dịch vụ – Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hạnh hiện có hơn 30 thành viên, với vùng nguyên liệu khoảng 100 ha. Từ khi thành lập vào năm 2018 đến nay, HTX Hoàng Nguyên đã thu mua, cung ứng ra thị trường 300 tấn tiêu hữu cơ của các thành viên, với giá cao hơn khoảng 1,5 lần so với thị trường.
Giám đốc Trần Thị Thu cho biết, không chỉ tiêu thụ ổn định tại thị trường trong nước, sản phẩm tiêu hữu cơ của HTX đã bước đầu tiếp cận thành công với thị trường châu Âu nên giá tiêu liên tục được cải thiện.
Theo Phòng NN&PTNT Đắk Song, toàn huyện hiện có 32 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong nhóm các HTX nông nghiệp, phần lớn đều lựa chọn sản xuất theo hướng hữu cơ, với các sản phẩm như hồ tiêu, cà phê, sachi, rau các loại…
Hiệu quả của những mô hình liên kết sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đắk Song có được những chuyển biến quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Ðắk Song có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới: Nâm N’Jang, Nam Bình, Thuận Hạnh, Thuận Hà. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân trên xã đạt 14,375 tiêu chí.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đắk Song đạt 12,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng/năm. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn không ngừng phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tương tự, việc thúc đẩy liên kết, khai thác tốt các thế mạnh sản phẩm đặc trưng, cũng đang giúp huyện Tuy Đức có những thành công đáng ghi nhận trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực ở bon Đăk Huýt, xã Quảng Trực, liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc M'nông để trồng cây mắc ca là một điển hình.
Hiện, mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông của HTX tuy mới ra mắt được hơn một năm, nhưng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đăk Nông và các thị trường lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.
Năm 2021, sản phẩm mắc ca của HTX Quảng Trực được công nhận đạt 3 sao Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Đăk Nông, qua đó giúp nâng cao giá trị lao động của bà con M'nông trồng mắc ca.
Những diễn biến từ thực tế cho thấy, việc chú trọng thúc đẩy sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân chính là một trong yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bon, buôn, bản nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn
Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, hoàn thiện các mô hình liên kết, nâng cao giá trị sản xuất, cả hệ thống chính trị, xã hội, các địa phương, các cấp cơ sở của tỉnh vào cuộc, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Minh Trí