Tây Giang là huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam có nhiều người dân tộc sinh sống và là một trong 61 huyện nghèo của cả nước. Theo chuẩn nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có 2.119 hộ nghèo, chiếm 43,14%. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống của người dân. Nhưng chính ở nơi khó khăn này, vẫn xuất hiện những điển hình vươn lên, giúp cho bức tranh Tây Giang có thêm những sắc màu hy vọng.
Đổi thay từ cây dược liệu
Chúng tôi đến thăm làng Achoong (Tây Giang), ngôi làng vùng biên vốn dĩ trong suy nghĩ của nhiều người là nơi tận cùng của nghèo khó. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Cơ Tu sinh sống vẫn theo phong tục, dựa chủ yếu vào núi rừng tự nhiên.
Ở đây, hỏi anh ALăng Lơ - trưởng thôn Achoong ai cũng biết, anh không chỉ là một điển hình vươn lên thoát nghèo, mà còn là nguồn cảm hứng lan toả giúp bà con nơi đây luôn biết vượt qua khó khăn, lạc quan trong cuộc sống.
ALăng Lơ vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ nên anh sớm tự lực, lớn lên bằng sự nuôi dưỡng của bà con họ hàng, của núi rừng Tây Giang nên sớm hun đúc trong con người anh ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo.
Mô hình trồng cây đảng sâm dưới tán rừng đã mở hướng giúp đồng bào địa phương thoát nghèo (Ảnh: TL) |
Từ kinh nghiệm bản thân, và học hỏi từ những người đi trước, Lơ bắt đầu trồng cây đảng sâm và vận động đồng bào cùng trồng thử nghiệm. "Đất không phụ lòng người", không lâu sau đó, từ thành công bước đầu, Lơ đã xây dựng mô hình HTX từ cây sâm bản địa của địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp bà con nơi đây có của ăn, của để.
Hiện nay, mô hình HTX của anh Lơ đã trồng hơn 25ha vườn sâm có độ tuổi 1 - 3 năm, với giá bán 1kg sâm tươi khoảng 150 - 200 nghìn đồng, trong đó sâm 2 - 4 tuổi có giá 250 - 300 nghìn đồng. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, HTX thu về hơn 200 triệu đồng, giúp nâng cao thu nhập trực tiếp cho 9 thành viên liên kết. Hiện, anh khoanh vùng và bảo vệ hơn 3ha cây tiêu rừng đặc sản vùng cao, thu về mỗi năm gần 50 triệu đồng, góp phần tạo sinh kế bền vững.
Giảm nghèo bền vững
Ở Tây Giang, còn có HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình (xã Lăng), một điển hình khác trong việc phát triển cây dược liệu ba kích tím nhằm xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số.
Để giúp bà con đỡ vất vả, năng suất lao động cao hơn, HTX đã đầu tư mua sắm 4 loại máy móc phục vụ sơ chế, rửa nông sản; máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm; máy sấy nông sản (chè dây, măng rừng, thịt heo) nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho nông sản.
Nhờ vào sự tính toán, làm ăn bài bản của HTX, ổn định đầu ra mà nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, đã có gia đình trở thành tỷ phú từ việc tham gia HTX trồng và chế biến dược liệu.Theo báo cáo số liệu chương trình giảm nghèo huyện Tây Giang, huyện đã hình thành 7 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.
Tây Giang đổi mới, đời sống người dân nâng cao (Ảnh: TL) |
Các mô hình này góp phần thay đổi nhận thức của người dân Cơ Tu trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người.
Tây Giang còn làm tốt việc đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông sản cho bà con nhân dân, trong đó các HTX tại A Tiêng, Lăng, Tr’Hy, A Xan… tập trung làm chuỗi liên kết giá trị đối với sản phẩm nông nghiệp, dược liệu.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương có nhiều chuyển biến, giảm từ 46,32% (năm 2016) xuống còn 38,07% (năm 2019).
Bên cạnh đó, để việc giảm nghèo đi vào thực chất, Phòng LĐTB&XH huyện tham mưu UBND trong việc kiên quyết không để hộ nghèo phát sinh, hộ thanh niên tự rơi vào diện nghèo. Đồng thời xây dựng các chương trình phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo.
Nhật Nam