Nghề nuôi ong lấy mật đang phát triển ở Thượng Tiến |
Hợp Tiến là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn, đặc biệt xã nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, trên rừng có nhiều loài hoa tự nhiên tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Phát huy lợi thế này, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến đã liên kết người dân liên kết nuôi ong lấy mật theo hướng hàng hóa đi đôi với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để xây dựng nhãn hiệu tập thể.
Khẳng định chất lượng
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến có 20 thành viên và đang phát triển trên 1.500 đàn ong. Các hộ nuôi ong chăm sóc đàn ong theo đúng kỹ thuật để ong phát triển tốt nhất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo Ban giám đốc HTX, so với làm các công việc khác, nuôi ong không vất vả bằng nhưng phải kiên trì, tỉ mỉ, thường xuyên kiểm tra, theo dõi để kịp thời phát hiện bệnh và tránh việc chia đàn.
Khoảng từ tháng 3 đến tháng 7, ong tự kiếm mật, chủ yếu là hoa nhãn và các loại hoa rừng tự nhiên. Các tháng mùa đông, các thành viên sẽ di chuyển đàn để bảo đảm nguồn thức ăn tự nhiên cho ong, tránh tuyệt đối không cho ong ăn đường vàng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng mật.
Để bảo đảm nguồn thức ăn, các thành viên kết hợp cùng địa phương tuyên truyền để người dân không phun bất kì một loại thuốc bảo vệ thực vật nào lên cây, đặc biệt là cây ăn quả.
“Ong nuôi là loài ong bản địa, muốn có mật sạch thì nguồn thức ăn phải an toàn bởi nếu phun thuốc bảo vệ thực vật, ong sẽ chết hoặc bay đi nơi khác”, anh Bùi Văn Tám, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thượng Tiến chia sẻ.
Nghề nuôi ong giúp nâng cao thu nhập, góp phần giúp địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững |
Bên cạnh đó, quá trình quay mật cũng được HTX tuân thủ theo đúng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, HTX đã huy động mọi nguồn lực đầu tư máy móc, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm làm ra được đóng chai và đóng hộp phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo đảm được chất lượng khi vận chuyển.
Mật ong với vị ngọt thanh tự nhiên mà hiếm nơi nào có được nên các thành viên mong muốn sản phẩm đến với nhiều người hơn nữa. Chính vì vậy, HTX đang làm thủ tục để đưa sản phẩm mật ong tham gia chương trình OCOP. Khi đạt được tiêu chuẩn này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, là cơ hội để HTX quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ mật ong cho tất cả các hộ nuôi ong của xã.
Hỗ trợ giảm nghèo
Hiện, mỗi năm HTX có thể sản xuất 3000-3.500 lít mật ong mỗi năm, chiếm 50% lượng mật ong trên toàn xã. Nghề nuôi ong lấy mật đã đem lại thu nhập cao cho người dân và góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Hợp Tiến cũng thuộc vùng xa của huyện Kim Bôi. Trước đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ người nghèo chiếm 70%. Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cơ sở và sự dẫn dắt của HTX Thượng Tiến, những năm gần đây các hộ dân trong xã đã kiên trì áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ong kết hợp tích cực tham gia trồng rừng, phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Nhờ đó, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện. Thu nhập của người dân từ nôi ong có thể lên đến hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng mỗi năm, từ đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã vào cuối năm 2019 đạt gần 16 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 24,3%.
Theo UBND xã Hợp Tiến, việc tập trung hướng vào khai thác những điều kiện tự nhiên sẵn có của địa phương, nhất là diện tích cây ăn quả, đồi rừng trên địa bàn để phát triển nghề nuôi ong lấy mật trong những năm qua đã giúp nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, định hướng đối với nghề nuôi ong lấy mật để tạo động lực đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Trong đó, việc chú trọng xây dựng chất lượng đi đôi với mở rộng thị trường thông qua mô hình HTX là rất quan trọng.Theo ban giám đốc HTX Thượng Tiến, nếu đáp ứng được các tiêu chí trong chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm và tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, nghề nuôi ong lấy mật sẽ đem lại thu nhập siêu lợi nhuận cho thành viên và người dân.
Chính vì vậy, bên cạnh cùng địa phương hoàn thành các quy chuẩn về tem mác, mẫu mã cũng như quy trình sản xuất, HTX đang tích cực tuyên truyền để vận động các hộ nuôi ong tham gia HTX để tăng cường mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Huyền Trang