HTX Dịch vụ tổng hợp môi trường xã Đức Liênđã đầu tư hơn 700 triệu đồng đầu tư máy móc, nhà xường về sản xuất dầu lạc và làm dịch vụ cho bà con trong và ngoài xã. |
Với mô hình kinh doanh đa ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao nâng cao thu nhập cho thành viên HTX, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chị Phan Thị Tuyết - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp môi trường xã Đức Liên (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã trở thành một trong những công nhân viên chức lao động tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi huyện Vũ Quang.
Xa rồi cảnh “được mùa mất giá”
Năm 2019 khi xã Đức Liên triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, chị Tuyết đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy ép dầu lạc và đã xây dựng thành công cơ sở chế biến dầu lạc mang thương hiệu Tuyết Châu, được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Chia sẻ về quá trình “lấn sân” sang sản xuất dầu lạc, chị Tuyết cho hay, thời tiết ở Hà Tĩnh rất khắc nghiệt, nắng nóng nên người nông dân chủ yếu trồng lạc. Từ nguồn nguyên liệu vốn có tại quê nhà, nhiều năm qua người dân địa phương vẫn thường ép lấy dầu để sử trong chế biến thực phẩm hàng ngày.
“Tôi cùng một số thành viên HTX đã nảy ra ý tưởng đầu tư sang mảng kinh doanh mới: sản xuất dầu lạc”, chị Tuyết cho hay.
Những ngày đầu, bắt tay vào triển khai lĩnh vực mới, các thành viên HTX không có kinh nghiệm, kiến thức trong việc chế biến dầu lạc. Vì vậy, các thành viên HTX đi đến các các cơ sở sản xuất dầu lạc ở nhiều địa phương như Đức Thọ (Hà Tĩnh), Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An)... để tìm hiểu phương thức ép dầu lạc. Đồng thời tìm hiểu thêm những kiến thức trên mạng internet tại một số cơ sở lớn có thương hiệu ở Quảng Ninh, Quảng Nam.
Nhờ sự cần mẫn vừa học vừa rút kinh nghiệm, mà những mẻ dầu lạc thử nghiệm đầu tiên đã cho kết quả tốt. Vì vậy, các thành viên HTX đã mạnh dạn sản xuất và dần được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liên, Vũ Quang chia sẻ, Đức Liên có diện tích sản xuất cây lạc lên đến 121 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX môi trường và dịch vụ tổng hợp Đức Liên thu mua nguyên liệu sản xuất. “Hiện tại, hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã trồng lạc đều cung cấp cho HTX. Như vậy, không chỉ có được nguồn nguyên liệu ổn định, HTX còn bao tiêu đầu ra cho cây lạc, qua đó giúp người dân trên địa bàn xã yên tâm sản xuất, ổn định đời sống”, ông Thắng cho hay.
Lạc của bà con sau khi thu hoạch xong, được HTX thu mua với giá cao hơn thương lái. Đáng chú ý nhờ việc bao tiêu đầu ra cho sản phẩm đã giúp người nông dân nơi đây không còn rơi vào cảnh “được mùa mất giá” giúp cho cuộc sống của người dân trồng lạc và thành viên HTX ổn định và khá giả hơn .
Tính riêng trong năm 2019, cơ sở dầu lạc Tuyết Châu đã cung cấp ra thị trường gần 10.000 lít dầu lạc, mang lại doanh thu hơn 900 triệu đồng, trừ chi phí, nhân công đã cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mà cơ sở này còn giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương với mức lương khá từ 3- 3,5 triệu đồng/tháng.
Đẩy mạnh liên kết
Từ những thuận lợi ban đầu, HTX môi trường và dịch vụ tổng hợp Đức Liên đã mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đầu tư chuyên môn hoá một số công đoạn cơ bản. Theo đó, HTX đã đầu tư hơn 700 triệu đồng đầu tư máy móc, nhà xường về sản xuất dầu lạc và làm dịch vụ cho bà con trong và ngoài xã.
Dầu lạc Tuyết Châu được chứng nhận sản phẩm OCOP |
Giám đốc HTX môi trường và dịch vụ tổng hợp Đức Liên cho biết, hiện HTX đang quy hoạch vùng sản xuất lạc liên kết giữa HTX với người dân theo tiêu chuẩn VietGrap sẽ kiểm soát được chất lượng và giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn. Ngoài ra, HTX đang nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm chiết suất từ lạc nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất sản phẩm dầu lạc mang nhãn hiệu Tuyết Châu, HTX môi trường và dịch vụ tổng hợp Đức Liên mong muốn đưa các sản phẩm chất lượng OCOP đến với người tiêu dùng, ngoài sản phẩm của mình.
HTX đã liên kết cung cấp sản phẩm với 20 HTX và các đơn vị sản xuất khác trên địa bàn Hà Tĩnh để phát triển thành địa chỉ giới thiệu, cung ứng các sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh.
Tại cửa hàng Tuyết Châu hiện có trên 60 đầu sản phẩm, trong đó có 20 sản phẩm OCOP Hà Tĩnh đạt từ 3 sao trở lên như dầu lạc Tuyết Châu, mật ong Vũ Quang, gạo Ngọc Mầm, Nước mắm Phú Khương, nem chua Ý Bình, giò me Tiến Giáp, cu đơ Phong Nga...
Hơn 40 sản phẩm còn lại là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Vũ Quang như, rau, củ, quả các loại, đậu, lạc, trà xanh, tinh bột nghệ, nước khoáng Đại Ngàn và các loại hải sản tươi, khô ở các huyện khác .
Với việc khai trương và đưa vào hoạt động cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP Tuyết Châu của HTX môi trường và dịch vụ tổng hợp Đức liên sẽ góp phần quan trọng vào quảng bá giới thiệu sản phẩm do các HTX sản xuất, chế biến. Đây là cầu nối giúp cho các đối tác trong và ngoài tỉnh tìm kiếm thông tin về sản phẩm để liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đồng thời cũng địa chỉ tin cậy mang đến những nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.
Hà An