Tiếp thu và lắng nghe những giải pháp từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các nông dân khởi nghiệp đã thành công, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có thêm những chính sách, giải pháp cụ thể hỗ trợ nông dân khởi nghiệp thành công.
Phát huy vai trò “nòng cốt”
Với vai trò “nòng cốt” trong phong trào khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức 18 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho 900 lượt hội viên, nông dân là các DNNVV, trong đó, có trên 200 lượt hội viên chuẩn bị làm dịch vụ mua bán nhỏ; phối hợp với Sở KH&CN tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm Linh chi cho 120 hội viên, nông dân, sản phẩm được Trung tâm Ứng dụng chuyển giao KH&CN bao tiêu; phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ VCCI, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề các huyện, thị tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề những vấn đề cơ bản về khởi sự doanh nghiệp, kinh doanh tạo tiền đề cho trên 625 hộ hội viên, nông dân đã, đang và chuẩn bị tham gia khởi sự nghề kinh doanh, dịch vụ; tổ chức 17 lớp tập huấn về “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam”.
Thông qua các lớp tập huấn này, người dân hiểu được muốn khởi nghiệp phải được hỗ trợ đầy đủ 5 yếu tố cơ bản, là: Đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực lao động cùng với được trang bị kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và đặc biệt là phải biết ứng dụng KH-KT công nghệ tiến bộ với cơ sở hạ tầng phát triển một cách đồng bộ. Đây chính là những điều kiện mà hội viên, nông dân không thể tự làm được mà cần có sự lãnh đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ của chính quyền và sự quan tâm của các ban, ngành hữu quan các cấp cùng với sự đồng hành tích cực của các cấp Hội.
Đặc biệt, hoạt động khuyến khích hội viên, nông dân cần thường xuyên theo dõi kênh truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn VTC16 - chương trình khởi nghiệp dành cho nông dân cả nước đã được ứng dụng vào thực tế hiệu quả.
Nông dân thoát nghèo nhờ nuôi Artemia |
Thành công trong sản xuất
Anh Nguyễn Văn Thành - xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình là một trong những hộ nông dân đầu tiên đăng ký tham gia chương trình Khởi nghiệp trên 3N-VTC16. “Nhờ có sự tư vấn của các chuyên gia tôi mới biết đến chăn nuôi an toàn sinh học, biết tối ưu hóa quá trình chế biến thức ăn. Vì thế, trong khi liên tục mấy năm qua giá gà xuống thấp, xung quanh nhiều người thua lỗ thì gà thịt của tôi vẫn bán giá cao. Ngay trong năm đầu tiên tham gia khởi nghiệp đã lãi được 200 triệu đồng”, anh Thành cho biết.
Một trường hợp khác là ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân - ông Cao Thành Vân, sau khi nhận thấy hiệu quả từ mô hình thực nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ, từ những mảnh đất nhỏ lẻ diêm dân làm muối kém hiệu quả, giá cả bấp bênh, ông đã vận động diêm dân vào HTX và chuyển đổi từ làm muối sang nuôi Artemia (thức ăn tươi sống cho tôm, cá).
HTX Artemia Vĩnh Châu ở xã Vĩnh Trạch Đông, Tp.Bạc Liêu được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003, ban đầu với 14 thành viên và vốn điều lệ 140 triệu. Đến nay, HTX đã có vốn hoạt động hơn 4 tỷ đồng. HTX đã chủ động liên kết với 5 HTX trong khu vực, đầu tư vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho hơn 500 hộ thành viên, với diện tích gần 300 ha, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp thành công trong sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống từ những hoạt động hỗ trợ thiết thực của Hội Nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan đồng hành cùng nông dân trên con đường khởi nghiệp.
Hoàng Lê