Nhờ sự quan tâm và vào cuộc của các cấp chính quyền, sự nhiệt tình hưởng ứng và thay đổi nhận thức của các thành viên, người dân mà vấn đề sản xuất gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) tại Bạc Liêu đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Nhiều điểm sáng
Ở Bạc Liêu, hoạt động nuôi tôm phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là vật nuôi đặc biệt nhạy cảm với yếu tố môi trường, nên điều kiện tiên quyết là người nuôi phải chú trọng đến việc BVMT làm nền tảng cho thành công.
Tuy mới được thành lập, nhưng 21 thành viên HTX Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (Vĩnh Hậu A, Hòa Bình) đã tiếp cận quy trình nuôi tôm công nghệ cao (CNC).
Áp dụng quy trình này, HTX chú trọng xử lý nước nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học thay cho hóa chất. Phương pháp này giúp giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường, góp phần BVMT, hạn chế tối đa các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh cho tôm nuôi.
Nhờ đó, trung bình 1.000 m2 ao nuôi, thành viên HTX có thể thả 150.000 con giống tôm thẻ chân trắng, mang về thu nhập 400 - 500 triệu đồng/vụ.
Mô hình nuôi tôm CNC còn giúp HTX không phải sử dụng kháng sinh, sản lượng nuôi được giữ vững, năng suất cao hơn và mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Tương tự ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, ông Trương Hoàng Sen - thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Công Điền, ăn nên làm ra nhờ áp dụng phương pháp giảm mật độ nuôi tôm gắn với BVMT.
Mỗi vụ, gia đình ông thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng và trở thành một trong những hộ nuôi tôm lớn nhất, nhì trong HTX. Ông Sen cho biết muốn năng suất cao, mật độ nuôi phải thưa, thức ăn cho tôm phải tươi sống. Đặc biệt là công tác xử lý thức ăn thừa, rác thải và vệ sinh ao nuôi phải thường xuyên để nước được lưu thông, sạch sẽ.
Tại Tp.Bạc Liêu cũng có không ít mô hình chăn nuôi thành công khi gắn với BVMT. Tiêu biểu là HTX Kinh tế Xanh Bạc Liêu.
Hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi heo (lợn), với hệ thống trang trại gồm bốn chuồng nuôi, mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 9.600 con lợn thịt ra thị trường. Cứ 4 - 4,5 tháng, HTX xuất chuồng một lứa.
Điều đặc biệt là toàn bộ chất thải từ nuôi lợn được HTX xử lý qua biogas chạy máy phát điện, phục vụ trang trại, các ao nuôi tôm.
Theo Ban giám đốc HTX, hệ thống biogas 8.000 m2 của HTX có khả năng tạo ra 800kWh điện, đủ cung cấp cho trang trại, chạy quạt hút mùi vào giờ cao điểm, chạy quạt trên ao nuôi tôm và cấp điện sinh hoạt cho khu vực nhà ở của công nhân.
So với nuôi gà, chăn nuôi heo có phần nhạy cảm hơn với môi trường. Tuy nhiên những năm qua, nhờ thực hiện chăn nuôi khép kín, đầu tư mạnh tay với quy trình nghiêm ngặt theo chuỗi, hoạt động sản xuất của HTX Kinh tế Xanh đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện tình hình chăn nuôi tại địa phương.
Mô hình nuôi tôm của HTX Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu |
Tiếp tục nhân rộng
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, không chỉ dừng ở phát triển kinh tế, công tác BVMT những năm gần đây đã được các HTX, THT quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tại hầu hết các địa phương đều hình thành các THT, HTX sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích ngày càng tăng. Sản phẩm của các THT, HTX vì thế mà tìm được chỗ đứng và trở thành xu hướng sản xuất được nhiều nông dân làm theo.
Ở những lĩnh vực khác như sản xuất lúa hàng hóa, lúa giống ở Ấp Mỹ Phú Đông (xã Hưng Phú); Trèm Trẹm (thị trấn Ngan Dừa)… đều hình thành khu vực tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn. Các THT, HTX này đều liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra…
Nhận thấy lợi ích từ quá trình sản xuất khoa học gắn với BVMT, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu tiếp tục liên kết với các đơn vị khác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tiếp tục triển khai các mô hình BVMT dưới nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng việc nhân rộng mô hình THT, HTX sản xuất đi đôi với BVMT trong tất cả các lĩnh vực.
Như Yến