Lao động trên tàu cá tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn |
Theo ông Nguyễn Văn Tồn - Chủ tàu BL 2313 TS, ngư phủ Nguyễn Văn Đằng đã làm việc trên tàu này nhiều chuyến. Tàu có công suất 52CV. Thời điểm xảy ra vụ việc, tàu cá đang hoạt động ở vùng lộng, trên tàu có 5 ngư phủ và 1 tài công.
Mặc áo phao là trù xui
Cũng về tai nạn trên biển, năm 2016, tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 3 vụ, làm 1 thuyền viên tử vong, thiệt hại tài sản khoảng 50 triệu đồng.
Nhìn lại những năm qua, năm nào Bạc Liêu cũng xảy ra những vụ tương tự, riêng vụ chìm tàu cuối năm 2014 khiến 2 người tử vong, 8 người mất tích. Tai nạn lao động trên tàu cá đa dạng: rớt xuống biển lúc bủa lưới, tàu di chuyển; bị thương, gây nguy hiểm tính mạng do móc cẩu rơi, sập cẩu; điện giật; nổ máy tàu; tàu bị phá nước; bị tàu buôn va đụng… Thời điểm tai nạn thường xảy ra là lúc nông giác (trên đường tìm luồng cá) và ban đêm.
Theo Nghị định 66/2005 của Chính phủ về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, các tàu cá đều được kiểm tra thiết bị, phương tiện an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ, bảo hiểm tàu, bảo hiểm thuyền viên… trước khi ra cửa biển. Riêng về phao cứu sinh, thì có phao tròn, phao bè (vuông, dùng tập thể) và phao cá nhân. Thế nhưng khi làm việc trên tàu cá, hiếm có người nào sử dụng, bởi họ cho rằng mang, mặc áo phao vì vướng víu, nóng nực và chẳng khác nào trù xui. Ngay cả áo phao cải tiến, có thể duy trì sinh tồn từ 5 - 7 ngày trên mặt biển, cũng không “hấp dẫn” được các chủ tàu.
Một nguyên do nữa đến từ việc đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người lao động trong nghề ngư nghiệp. Theo Sở NN&PTNT, tỉnh đã tập huấn cho 2/3 số lao động trên tàu cá, trong đó có 2.500 thuyền viên; thuyền trưởng, máy trưởng là 1.000 người. Tuy nhiên, người làm việc trong nghề này biến động nhiều trong mấy năm qua, chủ tàu không ký hợp đồng lao động với thuyền viên, nên có trường hợp người có chứng nhận tập huấn thì không đi, còn người chưa qua tập huấn lại ra khơi.
Nhận thức là quyết định
Bạc Liêu đang chuyển mạnh sang kinh tế biển để phát huy lợi thế của địa phương có biển, trong đó có ngành khai thác thủy sản. Cả tỉnh có 1.235 chiếc tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm, so với năm trước tăng 15 chiếc, công suất trung bình 157,5CV/chiếc. Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm qua đạt 108.000 tấn, tăng không nhiều so với năm 2015, do các nghề lưới rê khai thác không hiệu quả. Số lao động trên các tàu khai thác thủy sản của tỉnh là hơn 7.140 người.
Để những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, yếu tố quyết định là nhận thức của chủ tàu và người lao động trên tàu. Trước hết, chủ tàu phải luôn bảo đảm tàu cá ở trạng thái an toàn, trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cá nhân và tàu cá theo quy định. Đối với thuyền viên, cũng cần chủ động tự bảo vệ mình.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm thuyền trưởng, ông Trần Xí Khuôl - Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, chia sẻ: Trước hết, thuyền trưởng phải phân công người trực dù tàu neo đậu, hay đang chạy, để kịp thời quan sát phát hiện lưới chài, chướng ngại vật, người rơi xuống biển… Buộc mối thủy thủ (mối tàu) và thả một đoạn dây chừng 20m sau đuôi tàu để người bị rớt xuống biển có cơ hội sống sót hơn. Chọn thủy thủ dày dạn kinh nghiệm lấy neo và không để thủy thủ khác đứng ở những hướng neo có thể văng lên…
Nguyễn Quốc