Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương chia sẻ, để nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ, các tỉnh vùng biên đã thường xuyên tổ chức vận động hội viên, phụ nữ phát huy nội lực, chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn được nâng cao kiến thức trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là khuyến khích chị em hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình HTX sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Phát triển HTX mở hướng thoát nghèo
Các mô hình HTX đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội, khẳng định tinh thần vượt khó, sự sáng tạo của nữ giới, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Nhiều chị em phụ nữ DTTS chủ động tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. |
Tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho chị em đồng bào DTTS nơi đây, chị Sùng Thị Sy đã quyết định thành lập HTX DVTH nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A.
Qua 5 năm hoạt động, đến nay số thành viên của HTX và thành viên liên kết là 131 thành viên, trong đó 100% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh của các thành viên trong HTX chủ yếu là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán quay trở về tái hòa nhập cộng đồng và là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Bình quân mỗi năm có 4 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo, đến nay, HTX đã có 55 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo. Thu nhập của các thành viên dao động từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Sùng Thị Sy chia sẻ, với mong muốn đồng hành cùng chị em phụ nữ DTTS trên chặng đường vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Từ năm 2018 đến nay, HTX đã tổ chức 18 lớp dạy nghề với 630 học viên tham gia. Sau các lớp dạy nghề đã thành lập được 5 tổ hợp tác tại xã Sính Lủng, Lũng Phìn, Sủng Trái, Vần Chải, Sủng Là (huyện Đồng Văn), xây dựng được 2 mô hình tại xã Sính Lủng, Ma Lé và 1 hợp tác xã tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).
Bên cạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, HTX luôn quan tâm đến công tác bảo tồn nghề truyền thống, nhất là thông qua giới thiệu lịch sử hình thành và quy trình sản xuất cũng như trình diễn một số công đoạn sản xuất của các nghệ nhân.
Phát huy thương hiệu "Lanh trắng" Đồng Văn gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống như: hoa văn và các công cụ sản xuất, màu sắc, đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển nghề truyền thống và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẵn có tại địa phương, từ đó đã tạo dấu ấn đặc biệt và khó quên trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Ông Hoàng Văn Thịnh, Bí thư huyện ủy Đồng Văn đánh giá, nhờ sự phấn đấu của các thành viên HTX DVTH nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, đã từng bước khởi sắc và ngày một phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên được nâng lên, kết quả rõ nét nhất là đã có nhiều thành viên thoát nghèo.
“Đây là minh chứng rõ nét về sự đóng góp của khu vực KTTT, HTX trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”, ông Hoàng Văn Thịnh nói.
Bộ mặt nông thôn vùng cao biên giới nhiều khởi sắc
Vốn là “lõi” nghèo ở tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng cao biên giới Mường Lát những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm.
Nhiều mô hình HTX đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo việc làm ổn định và mở hướng phát triển kinh tế lâu dài cho phụ nữ. |
Bà Trần Lan Phương, Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá, Thanh Hóa là địa phương có mô hình KTTT, HTX do phụ nữ làm chủ nhiều so với các tỉnh trong cả nước. Mô hình này tăng nhanh những năm gần đây, riêng 9 tháng đầu nay đã hỗ trợ thành lập 10 HTX, 8 THT. Các mô hình KTTT do phụ nữ làm chủ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, nông sản an toàn), tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và sản xuất, kinh doanh tổng hợp gắn với lợi ích của các thành viên. Tiêu biểu, như: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản bản Chai, xã Mường Chanh, huyện Mường lát cùng tập kết cho bò ăn, chăn thả bò theo từng nhóm hộ gia đình.
Nhiều năm trước, bản Chai “trắng” đàn bò, cuộc sống của người dân trong bản rất khó khăn. Mặc dù thời gian rảnh rỗi có nhiều nhưng đa phần chị em vẫn chưa biết cách tận dụng thời gian để tăng gia sản xuất. Nhận thấy cần phải thay đổi phương pháp, cách làm mới để hỗ trợ hội viên vùng biên đặc biệt khó khăn từng bước giảm nghèo, năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn, hỗ trợ hội viên mua 16 con bò cái sinh sản trao cho thành viên THT chăn nuôi bò sinh sản bản Chai và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cách trồng cỏ voi, chuối để chủ động nguồn thức ăn cho bò, làm chuồng trại và giám sát nhau bảo toàn con giống.
Đến nay, tất cả thành viên THT đều có bò nuôi. Nhiều thành viên THT chăn nuôi bò sinh sản bản Chai cho biết: Chúng tôi vui và mong muốn nhiều chị em dân tộc Thái trong bản cũng được hỗ trợ theo hình thức này để cùng nhau giảm nghèo. Hiện nay, với cách làm trên, sau hơn 3 năm, THT đã có 23/25 hộ gia đình thoát nghèo.
“Những mô hình KTTT này đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo việc làm ổn định và mở hướng phát triển kinh tế lâu dài cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ DTTS. Các thành viên là hội viên phụ nữ đã thay đổi nhận thức trong sản xuất, biết hạch toán chi tiêu khoa học, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời tác động đến nhận thức của nhiều hội viên khác cũng như các hộ dân cùng nỗ lực vươn lên trong sản xuất, làm giàu chính đáng”. Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nói.
Minh Thành