Xã Đại Hưng có diện tích trồng nghệ xen canh lạc lớn, nhưng những năm trước đây, sản phẩm lạc củ, nghệ của người dân trên địa bàn cũng như các xã lân cận chủ yếu được sơ chế, phơi khô bán theo dạng nguyên liệu thô nên hiệu quả kinh tế không cao.
Nâng cao giá trị nông sản
Trước thực tế đó, ban lãnh đạo HTX luôn trăn trở làm thế nào để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm lạc củ của các thành viên trong HTX và người dân địa phương, không bị tiểu thương ép giá mỗi khi đến vụ thu hoạch. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, nhận thấy dầu lạc là loại dầu thực vật ngày càng được tiêu thụ nhiều, Ban giám đốc HTX đã có ý tưởng sản xuất dầu lạc, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, vừa góp phần giúp người dân trong vùng tiêu thụ lạc củ. HTX đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ cho quy trình sản xuất dầu lạc.
Thành lập từ năm 2018, đến nay, HTX Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng hiện có 9 thành viên đang canh tác tổng diện tích trồng nghệ xen canh lạc gần 3ha.
HTX Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng hiện có 9 thành viên đang canh tác tổng diện tích trồng nghệ xen canh lạc gần 3ha. |
Anh Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết, ở Hưng Yên, lạc chủ yếu được trồng ở khu vực vùng bãi hoặc xen canh tại các khu dân cư; sản xuất mang tính nhỏ lẻ, xen vụ chứ không phải sản xuất hàng hóa. Do đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất dầu lạc, HTX phải nhập thêm nguyên liệu từ các địa phương khác trong cả nước.
Tuy nhiên, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu khiến HTX gặp phải một số khó khăn như: Tăng chi phí sản xuất, khó kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào...
Xác định khâu nguyên liệu đầu vào quyết định toàn bộ chất lượng sản phẩm, HTX đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với những hộ trồng lạc ở trong xã Đại Hưng và các xã lân cận. Thông thường để ép được 1 lít dầu thành phẩm cần khoảng 2,5kg lạc nhân. Quy trình ép dầu lạc được thực hiện chủ yếu bằng máy: Lạc củ sạch, đủ độ già được phơi khô, chuyển vào máy bóc vỏ. Sau đó loại bỏ những hạt bị mốc, lép rồi cho vào máy rang chín và máy ép dầu. Tiếp đó, dầu lạc nguyên chất được chuyển sang thùng ủ dầu ở nhiệt độ 25 - 30 độ C trong thời gian 1 - 1,5 tháng để lắng lọc cặn, đến khi dầu lạc tinh khiết có màu vàng tươi, mùi thơm đặc trưng thì đóng chai, xuất bán. Phần bã lạc được phân loại và bán cho người dân làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ để làm phân bón cho cây trồng.
Bằng cách làm này, mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 500 lít dầu lạc thành phẩm và làm dịch vụ cho người dân địa phương. Hiện nay, sản phẩm dầu lạc của HTX được bán với giá 135.000 - 165.000 đồng/lít. Năm nay, HTX đã bao tiêu khoảng 30 tấn lạc củ cho nông dân trong xã Đại Hưng và các xã lân cận.
Bên cạnh sản xuất dầu lạc, mỗi năm HTX còn chế biến khoảng gần 100 tấn nghệ tươi thành các sản phẩm: Tinh bột nghệ, nghệ khô thái lát, nghệ sấy khô nghiền, tinh bột nghệ mật ong.
Các sản phẩm của HTX được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Doanh thu từ chế biến dầu lạc đạt trên 800 triệu đồng và doanh thu từ nghệ đạt khoảng 500 triệu đồng.
“Gắn sao” OCOP cho sản phẩm
Năm 2020, sản phẩm dầu lạc của HTX thương mại - dịch vụ, sản xuất nghệ Đại Hưng được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, trong đợt đề nghị đánh giá lại sản phẩm OCOP hồi cuối tháng 12/2022, HTX không thực hiện hồ sơ đánh giá lại do không bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất.
Do đó, HTX tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ nghệ như: Tinh nghệ mật ong Corri, tinh bột nghệ Corri, bột nghệ Corri...
Hiện, HTX đang đẩy mạnh các sản phẩm: tinh bột nghệ Corri, bột nghệ Corri,... |
Giám đốc Nguyễn Văn Quân cho biết, căn cứ tiềm năng vùng nguyên liệu lạc, nghệ của địa phương, HTX tiếp tục ký hợp đồng thu mua nguyên liệu lâu dài với các hộ trồng lạc, nghệ đạt tiêu chuẩn chất lượng tại các xã Đại Hưng, Chí Tân nhằm cung cấp ổn định cho hoạt động sản xuất của HTX.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị, máy móc sản xuất chế biến dầu lạc và các sản phẩm từ nghệ; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, sàn thương mại điện tử”, anh Quân thông tin.
Vụ nghệ bắt đầu từ tháng 2 và thu hoạch vào tháng 11, 12 dương lịch, mỗi vụ đều kéo dài nhiều tháng, chia thành từng giai đoạn. Do đó, người dân mất rất nhiều công chăm sóc, sau đó là thu hoạch.
Nhận thấy điều này, HTX đã hỗ trợ người dân nhiều phương pháp trồng tiên tiến, các loại giống khỏe cũng như phân hữu cơ để vừa tối ưu chi phí vừa tiết kiệm thời gian và công sức và tạo ra thêm nhiều sản phẩm từ củ nghệ.
Đưa sản phẩm vào kênh bán hàng hiện đại
Theo chia sẻ của lãnh đạo HTX, hiện sản phẩm của HTX mới chủ yếu phân phối tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Chính vì thế, HTX đang mong muốn có thể đưa được hàng vào kênh bán lẻ hiện đại như hệ thống siêu thị Big C để có thể ổn định và phát triển sản xuất. Đến nay, HTX Đại Hưng đã chuẩn bị khá đầy đủ về mặt pháp lý như: giấy tờ kiểm nghiệm, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn mác, đồ dùng đóng gói… Tuy nhiên, việc gặp gỡ, đàm phán ký kết hợp đồng đối với những đối tác lớn như Big C là điều HTX chưa từng thực hiện.
Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị, máy móc sản xuất chế biến dầu lạc và các sản phẩm từ nghệ; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm,... |
Về vấn đề này, đại diện Big C từng chia sẻ, muốn hàng vào Big C nói riêng và chuỗi siêu thị hiện đại nói chung, thường phải qua 5 bước: Duyệt hồ sơ; đàm phán và ký kết hợp đồng; BigC tạo dữ liệu HTX và hàng hóa lên hệ thống; đặt hàng và giao hàng. Trong đó, hồ sơ nhà cung cấp gồm đăng ký kinh doanh; thông báo tài khoản ngân hàng; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, hồ sơ công bố chất lượng; các giấy chứng nhận khác nếu có; báo giá và hàng mẫu.
Việc đưa nông sản vào kênh bán hàng hiện đại không chỉ là câu chuyện về thay đổi phương thức bán hàng, mà còn là sự chuyển đổi về tư duy kinh doanh. HTX Đại Hưng không ngừng nâng cao nhận thức của các thành viên về tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ trong sản xuất và bán hàng. Từ việc quản lý chất lượng sản phẩm, đóng gói, đến việc quảng bá sản phẩm qua các nền tảng trực tuyến đều được chú trọng và đầu tư một cách bài bản.
Đại diện HTX chia sẻ: "Chúng tôi hiểu rằng, để tồn tại và phát triển bền vững, việc đổi mới và tiếp cận thị trường theo cách hiện đại là vô cùng cần thiết, không chỉ tăng thêm giá trị cho sản phẩm, mà còn giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng."
Lãnh đạo địa phương đánh giá, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và kiên định, HTX Đại Hưng đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường nông sản hiện đại, mang lại niềm tin và giá trị thực sự cho người tiêu dùng.
Lê Hồng