Năm 2005, khi thi trượt đại học, Phạm Văn Thưởng quyết định tìm lối đi riêng cho mình. Khởi nghiệp bằng nuôi bồ câu nhưng thất bại, anh tìm đến con thỏ và quyết tâm gắn bó với vật nuôi này.
Nhiều lần thất bại
Thừa nhận mình không giỏi giang trong việc học, anh Thưởng cho rằng ở nông thôn, thanh niên cũng có thể làm giàu. Anh xin tiền bố mẹ đầu tư chăn nuôi nhưng bố anh không đồng ý, vì cho rằng chăn nuôi ở quê khó, nhiều người đã thất bại vì chăn nuôi nên khuyên anh từ bỏ ý định. Thuyết phục bằng được bố cấp vốn, Thưởng bắt tay vào nuôi chục đôi bồ câu và khoảng gần 100 con gà đẻ. Việc chăn nuôi của anh bắt đầu có lãi.
Nghĩ rằng như vậy đã tạm ổn và có thể tin tưởng giao cho bố mẹ ở nhà trông nom giúp, cộng với tính của một anh trai làng bồng bột, Thưởng bán đàn gà đẻ được 30 triệu đồng rồi theo mấy người họ hàng vào Nam bán rau ở chợ đầu mối. Thời điểm đó, dịch Newcaster ở nhà bùng phát. Cứ mấy hôm Thưởng lại gọi điện về lại được nghe bố mẹ thông báo chết vài chú chim bồ câu. Xót ruột nhưng không thể làm thế nào được. Rồi cả đàn chết sạch, Thưởng trắng tay với dự án bồ câu.
Một lần tình cờ, Phạm Văn Thưởng đọc trên mạng thấy nhiều mô hình nuôi thỏ rất lãi, mức lãi đến mấy triệu đồng/con/năm. Thưởng lại ham nuôi, quyết định về quê tìm mua bằng được 10 thỏ nái và bắt đầu hy vọng mới. Nhưng chẳng được bao lâu, cả đàn thỏ lăn ra chết. Con thì bị nấm, con thì bị ghẻ, con thì chết nóng, con thì chết lạnh.
Lúc ấy lại chẳng có ai nuôi cùng để học hỏi kinh nghiệm, Thưởng chỉ biết nhìn mấy con thỏ lần lượt ra đi. Chán nản, anh xách ba lô lên đường vào Tây Nguyên làm rẫy để gỡ gạc lại số vốn đã mất và quyết tâm học cách nuôi thỏ.
Có thời điểm, trại thỏ của anh Thưởng đạt gần 100 con thỏ nái |
Một năm sau, trở về quê nhà với vài chục triệu đồng trong tay, Thưởng mua 20 nái thỏ. Lần này, Thưởng liên kết với một trại nuôi thỏ ở trong tỉnh để tìm phương pháp nuôi phù hợp. Khi có thời gian, Thưởng làm công nhân nuôi thỏ ở trại, mang cả mấy chục con thỏ nhà mình xuống nuôi cùng.
Từ đó đến nay, Thưởng chuyên tâm vào nuôi thỏ nái. Có lúc, trại thỏ của Thưởng đạt gần 100 con thỏ nái, thu nhập từ bán thỏ giống và thỏ thương phẩm đạt gần 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy sự liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Thưởng tìm hiểu và kết thân với nhiều thanh niên có cùng chí hướng làm giàu ở nông thôn.
Năm 2014, HTX Hoàng Lan ra đời do Phạm Văn Thưởng làm Giám đốc, với số vốn điều lệ hơn 300 triệu đồng, bao gồm 7 thành viên đều là những người trẻ tuổi, cùng chung chí hướng và giàu nhiệt huyết.
Sức mạnh của sự liên kết
Giám đốc HTX Phạm Văn Thưởng chia sẻ: “Sau nhiều năm làm ăn riêng, tôi nhận thấy liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hộ. Khi đi giao dịch, ký kết hợp đồng cung cấp, tiêu thụ nông sản, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ có trọng lượng hơn. Vì vậy, tôi quyết định liên kết với những người bạn cùng chí hướng, đăng ký và thành lập HTX”.
HTX có người nuôi thỏ, có người nuôi bò, trồng cây ăn quả, có người làm đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Mỗi người một mảng, kết hợp lại thành chuỗi sản xuất, phối hợp làm ăn, hợp tác cùng phát triển, cùng hưởng thành quả. Việc mỗi người một mảng giúp các thành viên HTX hiểu rõ các khâu trong quy trình sản xuất, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, từ đó tạo hiệu quả cao hơn.
Với mô hình nuôi thỏ nái, HTX đã và đang mở rộng lĩnh vực sản xuất sang nuôi bò sinh sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi thủy sản, thu mua và bao tiêu nông sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp… Đồng thời, liên tục thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao.
Anh Trần Đình Huy (sinh năm 1987) - thành viên HTX, cho biết: “Thế mạnh của chúng tôi là nuôi thỏ và làm dịch vụ vật tư nông nghiệp. Hiện tại, với hơn 200 thỏ nái, bình quân mỗi thỏ nái cho thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng/năm. HTX cũng đang thử nghiệm mô hình nuôi gà ác, lấy giống từ Vĩnh Long. Với phương thức chăn nuôi khoa học, chúng tôi đặt mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm gà ác tiềm thuốc bắc chất lượng cao, với giá bằng 2/3 thị trường”.
Nhờ liên kết chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh đã giúp HTX hoạt động rất hiệu quả. Chỉ sau một năm hoạt động, HTX đã có thể trả hết nợ, tạo ra lợi nhuận để mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân trong vùng và tạo ra nhiều việc làm thời vụ cho lao động địa phương.
Hoàng Lê