Đầu năm 2017, anh Lê Văn Vượng ở xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kêu gọi 14 thành viên thành lập HTX Trường Sơn chuyên trồng dưa lưới Nhật Bản do anh làm Giám đốc.
Với 700 triệu đồng vốn do các thành viên đóng góp, cùng 300 triệu đồng được huyện hỗ trợ, tháng 7/2017, vườn dưa lưới trong nhà màng đầu tiên của HTX được hình thành trên diện tích hơn 2.000 m2 với gần 5.000 gốc.
Kỳ công chăm sóc
Anh Vượng cho biết: Dưa được trồng trong nhà màng không có sâu bệnh nên không cần phun thuốc BVTV, sản phẩm sạch hoàn toàn. Tuy nhiên, khi cây ra hoa, anh phải tự thụ phấn bằng tay rất kỳ công.
Để giảm công lao động, sắp tới, anh sẽ nuôi ong để thụ phấn cho hoa dưa. Bên trong nhà màng, anh còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, hệ thống phun sương cho cây.
Được đánh giá là giống cây mới, kén đất, nhưng loại dưa lưới được anh Vượng trồng cho hiệu quả cao. Mỗi cây dưa lưới từ khi trồng đến khi ra quả đạt 1,5 kg để thu hoạch mất khoảng 3 tháng chăm sóc. Một cây có thể ra khoảng 4 - 5 quả. Nhưng để quả đạt chất lượng cao, mỗi cây anh chỉ để còn duy nhất 1 quả.
Hiện nay, vườn dưa trong nhà màng của HTX sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao trên 70%, tổng sản lượng ước đạt 4 - 4,5 tấn/vụ. Để phù hợp với thị trường trong nước, HTX dự tính chỉ bán với giá 40 - 50 ngàn đồng/kg. Mỗi sào trồng được khoảng 400 gốc, với mức giá bán tại vườn như trên, khi thu hoạch, mỗi ha dưa sẽ cho thu nhập 160 - 180 triệu đồng.
Ngoài dưa lưới, anh Vượng còn trồng 10 sào dưa hấu sạch. Anh rất cẩn thận khi mỗi quả dưa trong ruộng đều được gối lên một vuông giấy pha ni lông. Kể từ khi dưa đậu quả, anh phải đi từng gốc cây, kê quả cách ly với mặt đất để phòng ngừa kiến hoặc con bọ trong lòng đất có thể làm hỏng quả.
Mặt khác trong thời gian dưa lớn, việc kiểm tra và đảo các mặt quả để tiếp xúc đều với ánh nắng mặt trời cũng rất quan trọng. Có làm như vậy thì vỏ quả đều màu, không bị nám và có chất lượng vượt trội.
Mô hình dưa lưới công nghệ cao của HTX |
Sản xuất theo công nghệ cao
Bà Lê Thị Thúy Kiều - Phó phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh, cho biết: Nếu áp dụng phương pháp canh tác truyền thống ngoài trời rất dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và sâu bệnh rất nhiều. Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng của HTX hạn chế được tất cả các nhược điểm trên. Canh tác trong nhà màng tăng năng suất so với cách làm truyền thống 30 - 50% và giá bán sản phẩm cao hơn.
HTX Trường Sơn là một trong các mô hình thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đây là hướng đi phù hợp, đúng với quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, huyện, đặc biệt là với ngành nông nghiệp và người nông dân.
Những mô hình nông nghiệp CNC này có thể tiến hành liên tục quanh năm. Hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại. Sản phẩm hoàn toàn sạch, đồng nhất, giàu dinh dưỡng và hoàn toàn tươi ngon. Không tích lũy chất độc và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Cần phải triển khai thực hiện tốt hơn nữa các mô hình và tính hiệu quả cao luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Đối với huyện Vĩnh Linh, bên cạnh việc thực hiện tốt các mô hình đã triển khai, trong thời gian tới cần chú trọng nghiên cứu rõ các cây trồng, vật nuôi phù hợp, lựa chọn các HTX, THT có năng lực, tâm huyết tham gia thực hiện các mô hình nông nghiệp CNC; tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án vào thực hiện các mô hình nông nghiệp CNC; quan tâm đến thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hà Xuyên